16/04/2015 - 09:17

Mỹ rút Cuba khỏi danh sách “bảo trợ khủng bố”

Trong thông báo hôm 14-4, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức gởi đề nghị lên Quốc hội Mỹ về quyết định đưa Cuba ra khỏi cái mà giới cầm quyền Mỹ lâu nay gọi là "danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố".

Theo xác nhận của Nhà Trắng, Tổng thống Obama trong báo cáo trình Quốc hội Mỹ đã khẳng định Cuba trong 6 tháng qua "không cung cấp bất kỳ sự ủng hộ nào cho khủng bố quốc tế" và Havana cũng "cam kết không hậu thuẫn hành động khủng bố trong tương lai". Tuyên bố trên được đưa ra vài ngày sau cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi quan hệ ngoại giao bị cắt đứt năm 1961. Đây cũng được xem là bước tiến lớn trong nỗ lực theo đuổi chính sách khôi phục và cải thiện quan hệ với đảo quốc vùng Caribe của lãnh đạo Mỹ sau hơn 50 năm thù địch.

Tổng thống Mỹ Obama (phải) cùng Chủ tịch Cuba Raul Castro trong cuộc gặp lịch sử hôm 11-4. Ảnh: AP

Nói thêm về điều này, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết quyết định của ông Obama được dựa trên các tiêu chuẩn theo luật định. Đặc biệt, vị này nhấn mạnh dù hai nước vẫn tồn tại bất đồng trong chính sách và hành động, nhưng điều ấy không đồng nghĩa Cuba cần bị đưa vào danh sách "các nước bảo trợ khủng bố". Theo đó, Quốc hội Mỹ sẽ có 45 ngày để xem xét quyết định của Tổng thống Obama trước khi nó có hiệu lực. Trong phản ứng gay gắt, ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đã lên án quyết định của Nhà Trắng và cho rằng "Havana vẫn đang tiếp tục bảo trợ khủng bố".

Về phía Cuba, nhà ngoại giao dẫn đầu các cuộc đàm phán với Mỹ Josefina Vidal cho biết Chính phủ Cuba công nhận quyết định của Tổng thống Mỹ đưa nước này ra khỏi cái gọi là "danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố". Tuyên bố nhấn mạnh như Havana đã nhiều lần khẳng định trước đó, Cuba bác bỏ và lên án tất cả các hành vi khủng bố dưới mọi dạng thức, cũng như các hành động xúi giục, hỗ trợ, cung cấp tài chính hay che giấu cho hành động khủng bố. Theo bà Vidal, Cuba đáng ra không bao giờ nên bị liệt vào danh sách trên của Mỹ, vì Cuba cũng là nạn nhân của hàng trăm vụ khủng bố. Được biết, Cuba bị Mỹ đưa vào danh sách "các nước bảo trợ khủng bố" vào năm 1982, cho những gì mà Washington gọi là nỗ lực "thúc đẩy các cuộc cách mạng vũ trang của các tổ chức theo chủ nghĩa khủng bố". Cùng với Syrie, Iran và Sudan, sự hiện diện của Cuba trong danh sách này là một trong những khía cạnh gây tranh cãi hiện nay giữa các nhà đàm phán của Mỹ và Cuba về việc mở lại đại sứ quán ở hai nước.

Theo các cuộc thăm dò gần đây, có đến 2/3 người Mỹ được hỏi ủng hộ sự tái lập mối quan hệ ngoại giao giữa Washington và Havana. Kết quả khảo sát trong vài tháng qua còn cho biết, phần lớn người Mỹ ủng hộ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại và cấm vận thương mại đối với quốc gia đông dân nhất vùng Caribe. Hiện tại, vẫn chưa rõ tác động thực tế sau khi Cuba được Mỹ đưa ra khỏi danh sách nói trên, nhưng về lý thuyết, Havana sẽ không chịu một số biện pháp trừng phạt của Mỹ bao gồm lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, kiểm soát các mặt hàng dùng trong mục tiêu quân sự và dân sự, cấm viện trợ kinh tế và tiếp cận các nguồn vốn vay của quốc tế.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, BBC, Guardian)

Chia sẻ bài viết