21/04/2024 - 10:00

Mỹ, Nhật trong Hành lang kinh tế Luzon ở Philippines 

Quan hệ đối tác giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines đang hướng tới một trang mới khi cả 3 cam kết tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở trong nhiều thập kỷ tới. Minh chứng cho nỗ lực đó, ngoài các cam kết về an ninh, Washington tuyên bố thiết lập hành lang kinh tế trên đảo chính Luzon của Philippines với sự hỗ trợ từ Tokyo, cho phép đẩy nhanh các khoản đầu tư phối hợp trong những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.Các địa điểm kết nối thuộc Hành lang kinh tế Luzon của Philippines.

Từ trái sang: Tổng thống Philippines Marcos Jr., Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida. Ảnh: Getty Images

Đây là mô hình đầu tiên thuộc loại này ở khu vực và là một phần của Chương trình tăng tốc Ðối tác Cơ sở hạ tầng và Ðầu tư Toàn cầu (PGI), sáng kiến nằm trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) do Mỹ đề xuất. Nó cũng phản ánh mối lo ngại về an ninh quốc gia trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến "​​Vành đai, Con đường" (BRI) và các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Theo tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh 3 bên đầu tiên diễn ra ngày 11-4 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., Hành lang kinh tế Luzon sẽ kết nối các trung tâm lớn bao gồm Vịnh Subic, thành phố Clark, thủ đô Manila và tỉnh Batangas. Trong đó, các khoản đầu tư tập trung trên nhiều lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng bao gồm đường sắt; hiện đại hóa cảng; chuỗi cung ứng; năng lượng sạch và chất bán dẫn; kinh doanh nông nghiệp và nâng cấp cảng dân sự ở Vịnh Subic. Các nhà lãnh đạo dự định tổ chức một sự kiện 3 bên thúc đẩy Hành lang kinh tế Luzon bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tổ chức ở Manila vào tháng 5 tới. "Chúng tôi có kế hoạch hợp tác với các tổ chức đa phương cũng như khu vực tư nhân nhằm thu hút những khoản đầu tư có chất lượng và mang tính chuyển đổi" - tuyên bố nêu rõ.

Lâu nay, Tokyo đã hỗ trợ kết nối ở Luzon thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA). Sắp tới, Mỹ sẽ lập ban chỉ đạo để đẩy nhanh các nhiệm vụ được đề xuất theo Hành lang kinh tế Luzon. Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) cũng đặt mục tiêu mở văn phòng khu vực tại Philippines nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các khoản đầu tư tiếp theo trên khắp quốc gia Ðông Nam Á. Trước nay, Manila vẫn duy trì quan hệ kinh tế bền chặt với Washington. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines và là một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở nước này.

Chú trọng vào công nghệ mới nổi

Philippines là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Ðông Nam Á, mang đến cơ hội trong các ngành công nghiệp quan trọng và mới nổi. Do đó, ngoài những dự án có tác động lớn, tuyên bố về tầm nhìn chung còn bày tỏ ủng hộ mở rộng hợp tác và đầu tư vào một số lĩnh vực khác của Philippines, chẳng hạn ​​phát triển lực lượng lao động bán dẫn mới. Sáng kiến ​​này cho phép sinh viên Philippines được đào tạo tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ và Nhật Bản, từ đó nâng cao vị thế của Manila như một trung tâm bán dẫn; sau nữa là giúp tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng giữa 3 nước và củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thông báo của Ðại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết Manila sẽ nhận được khoản đầu tư trị giá 100 tỉ USD từ Mỹ và Nhật Bản trong vòng 5 đến 10 năm tới. Các khoản đầu tư dự kiến cũng bao gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng và kinh tế kỹ thuật số. Hồi tháng 3, một phái đoàn doanh nghiệp Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào Philippines trên các lĩnh vực mở rộng như xe điện, số hóa và năng lượng xanh.

Washington còn có kế hoạch cung cấp ít nhất 8 triệu USD thiết lập thử nghiệm thực địa Hệ thống Mạng truy cập vô tuyến mở (Open RAN) và mở cơ sở đào tạo ở khu vực châu Á với trụ sở đặt tại Manila. Hiện Philippines đang tìm cách thí điểm Open RAN trong chương trình băng thông rộng quốc gia và dự án WiFi miễn phí. Thông qua các khoản đầu tư tiếp theo, Mỹ và Nhật Bản hy vọng có thể triển khai các dự án thương mại liên quan công nghệ Open RAN ở Philippines trong tương lai. Mục tiêu là tạo ra hệ sinh thái công nghệ thông tin truyền thông mở an toàn, xác thực, đáng tin cậy ở Philippines; hướng tới cộng đồng gồm các nhà khai thác và nhà cung cấp mạng di động trong ngành công nghiệp RAN.

 Các địa điểm kết nối thuộc Hành lang kinh tế Luzon của Philippines.

Ngoài những ngành công nghệ mới nổi, tuyên bố chung cho biết Mỹ, Nhật Bản và Philippines đồng thời tìm cách mở rộng quan hệ đối tác về xây dựng năng lực hạt nhân dân sự an toàn và bảo đảm. Theo đó, Washington và Tokyo thông qua cuộc đối thoại 3 bên trong năm nay sẽ hỗ trợ quốc gia Ðông Nam Á thúc đẩy chương trình năng lượng hạt nhân dân sự sau khi ghi nhận yêu cầu của Manila về đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, kỹ sư, chuyên gia hoạch định chính sách và nhân sự có liên quan.

Cả 3 nước cũng đặt mục tiêu mở rộng hợp tác chuyển đổi sang năng lượng sạch, tạo việc làm trong chuỗi cung ứng tiêu chuẩn cao bằng cách phát triển các nguồn tài nguyên trong thị trường cạnh tranh rõ ràng, minh bạch và công bằng; đảm bảo quyền lao động và môi trường. Mỹ và Nhật Bản hy vọng Philippines trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn Ðối tác An ninh Khoáng sản, một bước quan trọng thúc đẩy khả năng linh hoạt và đáng tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các tài nguyên chủ chốt.

Chống lại áp lực từ Trung Quốc

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Philippines cam kết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế "toàn diện, lâu dài và khả năng phục hồi" ở mỗi nước cũng như khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Họ cũng khẳng định ủng hộ sự tiến bộ liên tục của IPEF nhằm nâng cao sự linh hoạt, tính bền vững, tăng trưởng về kinh tế, sự công bằng và khả năng cạnh tranh. Khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh lịch sử, các nhà lãnh đạo tuyên bố "một chương mới giữa 3 quốc gia của chúng ta đã bắt đầu", tập trung vào trách nhiệm đảm bảo an ninh quốc gia và kinh tế.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tuyên bố này cùng với các dự án kinh tế thúc đẩy mục tiêu chung có ý nghĩa đặc biệt trong nỗ lực giúp Philippines chống lại áp lực từ Trung Quốc. "Chúng tôi bày tỏ quan ngại và phản đối mạnh mẽ việc ép buộc kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự kinh tế dựa trên luật lệ cũng như sự cần thiết phải phối hợp chặt chẽ để đối phó với hành vi cưỡng ép kinh tế". Trong khi đó, nhiều nhà phân tích đánh giá tính biểu tượng của hội nghị thượng đỉnh thậm chí còn có ý nghĩa nhiều hơn thế.

Một mặt, sự kiện chứng minh hợp tác với Tokyo và Washington có thể hỗ trợ kinh tế Philippines tăng trưởng, qua đó cho phép Tổng thống Marcos đáp trả chỉ trích trong nước cho rằng ông đang hy sinh những lợi ích kinh tế tiềm tàng mà Trung Quốc mang lại khi đối đầu Bắc Kinh. Ngoài ra, sự kiện làm suy yếu lập luận rằng Mỹ không can dự về mặt kinh tế trong khu vực và các đối tác cùng đồng minh không thể đưa ra những lựa chọn khả thi thay thế cho Trung Quốc. Ðặc biệt, bằng cách đầu tư vào hạ tầng quan trọng của Philippines, Nhật và Mỹ cũng làm rõ cam kết của họ là "sâu sắc và lâu dài" chứ không chỉ dựa trên căng thẳng trên biển với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã không tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác kinh tế BRI lần thứ ba được tổ chức hồi tháng 10-2023 tại Bắc Kinh. Một tháng sau, Manila thông báo chấm dứt 3 dự án giao thông trọng điểm trị giá 4,9 tỉ USD thuộc BRI, bao gồm 2 dự án đường sắt tại đảo Luzon, đảo đông dân nhất và lớn nhất nằm ở phía Bắc Philippines. Giới chức Manila khi đó tuyên bố sẽ tìm kiếm sự thay thế từ phương Tây và Nhật Bản cho các dự án này.

Năm 2016, nhà lãnh đạo Philippines thời điểm đó là ông Rodrigo Duterte đã có chuyến thăm Bắc Kinh và nhận được các thỏa thuận đầu tư trị giá 24 tỉ USD từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đó đến nay chỉ có 2 con đập và 2 cây cầu được hoàn thành. Năm 2023, 9 doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc cam kết đầu tư gần 14 tỉ USD vào năng lượng tái tạo tại Philippines, cùng 1 doanh nghiệp khác thông báo đầu tư 1 tỉ USD lập nhà máy sản xuất xe máy điện tại đây.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết