04/09/2020 - 09:12

Mỹ liên tục thách thức Trung Quốc 

Sau hai lần điều chiến hạm tuần tra tới eo biển Đài Loan trong vòng nửa tháng, việc Mỹ giải mật tài liệu an ninh thời Tổng thống Ronald Reagan đối với vùng lãnh thổ này phát đi tín hiệu Washington không vì sức ép của Trung Quốc mà bỏ rơi Đài Loan.

Khu trục hạm của Mỹ USS Halsey đi qua eo biển Đài Loan. Ảnh: US Navy

Duy trì quan hệ đồng minh, nhưng Mỹ lâu nay vẫn hạn chế ủng hộ Ðài Loan công khai. Truyền thống đó, theo các nhà quan sát, bắt đầu thay đổi khi chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump coi việc tăng cường hỗ trợ hòn đảo này là ưu tiên hàng đầu.

Hồi tháng 8, Nhà Trắng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ cử quan chức nội các cấp cao tới Ðài Bắc. Trước đó, Washington đã thúc đẩy các thương vụ bán vũ khí cho Ðài Loan đồng thời tăng cường hiện diện ở vùng biển xung quanh. Gây chú ý nhất là thông báo mới của chính quyền Trump về việc giải mật 6 cam kết bảo vệ vùng lãnh thổ này, cùng tuyên bố của Bộ Ngoại giao thiết lập cơ chế đối thoại kinh tế song phương mới với chính quyền bà Thái Anh Văn.

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Ðông Á và Thái Bình Dương David Stilwell, Washington không thay đổi chính sách “một Trung Quốc” mà chỉ đưa ra những “điều chỉnh đáng kể” nhằm hỗ trợ Ðài Loan trước chiến dịch “gây áp lực, đe dọa và cô lập” của Bắc Kinh. Trong khi đó, người tiền nhiệm Daniel Russel cho rằng việc công khai 6 cam kết phản ánh sự thỏa hiệp của Mỹ trước sức ép từ những quan điểm bảo thủ trong chính quyền muốn từ bỏ “sự mơ hồ chiến lược” đối với chính sách bảo vệ Ðài Loan.

Thông qua những động thái rõ ràng như hiện nay, giới phân tích cũng đồng ý với nhận định chính quyền Trump muốn Ðài Bắc hiểu rằng Washington sẵn sàng ủng hộ họ bất chấp sức ép từ Bắc Kinh. Về sách lược này, cựu quan chức quốc phòng Mỹ Drew Thompson cho rằng Washington phải cho thấy được sự minh bạch nếu muốn ngăn mối đe dọa từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh kết quả bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới có khả năng khiến quan hệ Mỹ - Trung vốn bất ổn lại càng thêm biến động.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2-9 cho biết các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc hoạt động tại xứ cờ hoa sẽ cần có sự chấp thuận của cơ quan này nếu muốn tới thăm các trường đại học bản địa hoặc tổ chức sự kiện văn hóa quy mô trên 50 người bên ngoài cơ quan đại diện. Bộ Ngoại giao cũng có hành động nhằm đảm bảo mọi tài khoản mạng xã hội của đại sứ quán cùng các cơ quan lãnh sự Trung Quốc được “xác minh rõ ràng”.

Ðây là một phần trong chiến dịch của chính quyền Trump chống lại hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Ðại sứ quán Trung Quốc tại Washington lập tức chỉ trích “động thái phi lý” nói trên đi ngược lại những giá trị tự do và cởi mở mà chính Mỹ đề ra. Song, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định yêu cầu này đơn giản là “có đi có lại” trước những hạn chế mà Bắc Kinh áp đặt đối với các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc.

Phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ cáo buộc Trung Quốc phá hoại trật tự thế giới và mô tả Bắc Kinh là “mối đe dọa chiến lược”. Theo Đô đốc Philip Davidson, Trung Quốc muốn thông qua “bức ép, lũng đoạn và tranh cãi trật tự toàn cầu dựa trên luật lệ” để thay đổi thế giới thành nơi mà quyền lực quốc gia của họ quan trọng hơn luật pháp quốc tế. Trước mối đe dọa chiến lược từ Bắc Kinh và hàng loạt thách thức an ninh khác, ông Davidson khẳng định Mỹ vẫn tiếp tục bảo vệ sự tự do và cởi mở tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết