08/12/2023 - 23:36

Mỹ - Israel mâu thuẫn tầm nhìn hậu chiến 

Theo giới quan sát, quan hệ Mỹ và Israel đang xuất hiện thêm nhiều rạn nứt do hai bên bất đồng về tương lai Dải Gaza sau khi cuộc chiến hiện nay kết thúc.

Israel tuyên chiến với Hamas sau khi nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine tràn qua biên giới ngày 7-10, tấn công làm thiệt mạng 1.200 người chủ yếu là dân thường và bắt cóc hơn 240 người khác. Sát cánh cùng đồng minh, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nhanh chóng ra tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ của Israel kèm cam kết hỗ trợ quân sự và vũ khí vô điều kiện.

Theo giới phân tích, Mỹ và Israel hiện có cùng mục tiêu diệt Hamas. Tuy nhiên, hai bên không chung tiếng nói về tầm nhìn dài hạn cho Dải Gaza. Gần đây, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết quân đội sẽ duy trì quyền kiểm soát an ninh không giới hạn ở Gaza khi chiến tranh kết thúc, đồng thời loại trừ ý tưởng về sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình nước ngoài. Theo Hãng tin AP, Israel còn đang thảo luận việc lập “vùng đệm” ngăn người Palestine tiếp cận biên giới, cũng như loại trừ vai trò của Chính quyền Dân tộc Palestine (PA) vốn kiểm soát khu vực bán tự trị ở Bờ Tây bị chiếm đóng.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) thảo luận với Thủ tướng Israel Netanyahu về cuộc chiến ở Gaza. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Biden (trái) thảo luận với Thủ tướng Israel Netanyahu về cuộc chiến ở Gaza. Ảnh: AP

Tuy chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng những ý tưởng này đang gây bất hòa giữa Israel với Nhà Trắng. Trước đó, các nhân vật hàng đầu ở Washington cho biết họ không cho phép Tel Aviv tái chiếm Dải Gaza. Tổng thống Biden cùng một số quan chức khác còn nhiều lần đề cập sự trở lại của chính quyền PA vốn được quốc tế công nhận, khẳng định lực lượng này phải đóng vai trò nào đó ở Gaza thời hậu chiến khi các bên nối lại tiến trình đàm phán hòa bình nhằm lập một nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Israel. Quan điểm trên được Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris làm rõ trong bài phát biểu ở Dubai hồi tuần rồi về “nguyên tắc” mà Washignton tin sẽ giúp định hướng tương lai Gaza. Cụ thể, bà Hariss tuyên bố trong mọi trường hợp, cách tiếp cận của Mỹ với Gaza sau xung đột sẽ dựa trên 5 nguyên tắc, bao gồm không cưỡng bức người Palestine di dời khỏi Gaza hoặc Bờ Tây; không tái chiếm, không bao vây hoặc phong tỏa; không thu hẹp lãnh thổ và không sử dụng Gaza làm nền tảng cho khủng bố.

Xét trên mọi khía cạnh, yêu cầu của Mỹ hầu hết trái ngược đề xuất mà Tel Aviv đưa ra. Trong động thái nhượng bộ, các quan chức chính trị - quân sự Israel nói rằng sẽ cẩn trọng trong các cuộc tấn công ở Nam Gaza nhằm hạn chế thương vong cho dân thường. Tuần rồi, Thủ tướng Netanyahu cũng thừa nhận sự cần thiết phải chấp nhận yêu cầu của Washington ở mức độ nào đó, chẳng hạn như cho phép vận chuyển nhiều viện trợ nhân đạo hơn. Chưa rõ Tel Aviv thực sự chú ý đến mức nào nhưng bất mãn với ông Netanyahu hiện không chỉ giới hạn ở Mỹ. Theo AP, phương Tây vốn coi Hamas là một nhóm khủng bố. Nhưng khi chiến tranh kéo dài, nhiều nước đã tỏ ra nghi ngại về nguy cơ thảm họa nhân đạo và số dân thường thiệt mạng ngày càng tăng ở Gaza.

Ngay cả khi Israel và chính quyền Tổng thống Biden thống nhất tầm nhìn cho tương lai Gaza, họ sẽ đối mặt với những trở ngại khó khăn khác. Trước mắt là tương lai chính trị bấp bênh của Thủ tướng Netanyahu, sau nữa là Tổng thống Biden đang bước vào năm bầu cử với áp lực ngày càng tăng từ các khu vực chủ chốt của đảng Dân chủ về việc kiềm chế Israel và chấm dứt chiến tranh. Kết quả một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden “rất có thể thua vì vấn đề này”.

Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh David Cameron ở Washington ngày 7-12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Israel phải ưu tiên bảo vệ dân thường khi số thương vong ngày càng tăng trên thực địa đã phơi bày “khoảng cách” giữa lời nói và hành động của Tel Aviv trong cuộc chiến với Hamas. Đây là một trong những chỉ trích mạnh mẽ nhất của Mỹ về hành vi của đồng minh.

MAI QUYÊN

 

Chia sẻ bài viết