06/03/2013 - 14:14

Mỹ - Israel “lên giọng” với Iran

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington không loại trừ việc dùng vũ lực chống chương trình hạt nhân của Iran.
Ảnh: Getty Images

Trong động thái nhằm trấn an đồng minh Israel vài tuần trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Israel, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4-3 đã lên tiếng khẳng định rằng ông Obama sẽ không ngần ngại sử dụng giải pháp quân sự nếu tất cả các phương án khác đều không thể ngăn chặn “tham vọng hạt nhân” của Iran.

Phát biểu trước 13.000 người tại Hội nghị thường niên diễn ra ở Thủ đô Washington của nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel đầy quyền lực ở Mỹ AIPAC, Phó Tổng thống Joe Biden cho biết Washington tin “vẫn còn thời gian và không gian” cho các chính sách ngoại giao với Iran. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng chính quyền Obama sẽ không từ bỏ cam kết tiến hành can thiệp quân sự như một sách lược cuối cùng trong trường hợp không còn giải pháp hữu hiệu nào.

“Chúng tôi không mong muốn chiến tranh. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm và sẵn sàng cho giải pháp đàm phán hòa bình với tất cả các tùy chọn, nhưng sẽ bao gồm cả việc sử dụng vũ lực”- ông Biden khẳng định. Trong một cảnh báo, ông còn nói rằng tất cả lựa chọn, bao gồm các biện pháp trừng phạt và ngoại giao cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo cộng đồng quốc tế sẽ hỗ trợ nếu hành động quân sự được coi là cần thiết.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông qua vệ tinh từ Jerusalem nói trước hội nghị rằng giải pháp ngoại giao và trừng phạt không thật sự mang lại hiệu quả mà chỉ tạo cơ hội cho Tehran sử dụng các cuộc đàm phán để “câu giờ” và càng tiến gần đến khả năng chế tạo vũ khí hủy diệt. Tuy nhiên, ông Netanyahu không đưa ra dấu hiệu cho thấy Tel Aviv đã sẵn sàng hành động trong bối cảnh Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đã nối lại các vòng đàm phán với Iran hồi tuần trước và nhất trí tiếp tục vào tháng 4 tới. Mặt khác, Phó Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận rằng nếu Israel hoặc Mỹ hành động quá vội vàng, cả hai có nguy cơ mất đi sự ủng hộ từ phía cộng đồng quốc tế.

Cùng với việc tái khẳng định quan điểm của Tổng thống Obama liên quan đến vấn đề hạt nhân của Iran, ông Biden còn tập trung vào cam kết không thể lay chuyển của Mỹ cho khoản viện trợ 3,1 tỉ USD nhằm tăng cường ưu thế quân sự của Israel trong khu vực, bao gồm việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt. Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ còn đề cập phương án hợp tác cùng Israel để cô lập các nhóm vũ trang được Iran hỗ trợ mà điển hình là Phong trào Hồi giáo Hezbollah. Không chỉ vậy, hai bên nhận thấy cần phải ngăn chặn sự hỗn loạn ở Syrie trước nguy cơ kho vũ khí hóa học của nước này có khả năng rơi vào tay các nhóm khủng bố.

Theo dự kiến, chuyến thăm Israel đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi năm 2009 của Tổng thống Obama sẽ bắt đầu vào ngày 25-3. Với chuyến đi lần này, chính quyền Mỹ cho biết sẽ thúc đẩy những nỗ lực để phá vỡ bế tắc nhằm nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Đặc biệt, Thủ tướng Netanyahu cho biết đã lên kế hoạch để đề cập “mối đe dọa đang gia tăng” từ cả Iran và Syrie trong buổi hội đàm với Tổng thống Obama.

Song, giới phân tích cho rằng những phản ứng do dự của ông Netanyahu tại hội nghị AIPAC vừa qua lại phần nào phản ánh tình trạng căng thẳng vẫn còn hiện diện trong mối quan hệ giữa Mỹ và đồng minh gần gũi nhất khu vực Trung Đông trong nỗ lực chung hòng ngăn chặn cái gọi là “tham vọng hạt nhân” của Iran.

VI VI
(Theo Reuters, New York Times, Telegraph)

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington không loại trừ việc dùng vũ lực chống chương trì

Chia sẻ bài viết