Trung Quốc đang xuất xưởng tàu quân sự và dân sự với tốc độ khiến các đối thủ như Mỹ lo ngại bởi nó có thể mang lại cho Bắc Kinh lợi thế trong bất kỳ cuộc xung đột nào.
Năng lực đóng tàu cao hơn Mỹ tới 632 lần
Trong một ụ tàu mới mở tại xưởng đóng tàu trên đảo Trường Hưng ở gần Thượng Hải, tàu tấn công đổ bộ Type 076 đầu tiên của Trung Quốc và cũng là tàu tấn công đổ bộ lớn nhất thế giới đang dần lộ diện mà các chuyên gia cho rằng có thể hạ thủy sớm nhất vào năm 2025. Nếu đánh giá này đúng, khi đó Trung Quốc đưa một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới vào hoạt động trong thời gian ngắn hơn so với thời gian hiện tại mà các xưởng đóng tàu của Mỹ hoặc châu Âu cần để tân trang một khu trục hạm cũ và nhỏ hơn nhiều.
Hình ảnh mô phỏng tàu tấn công đổ bộ Type 076 của Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Được xây dựng vào năm 2005, xưởng đóng tàu đảo Trường Hưng là nỗ lực đầy tham vọng và hiện đang trong giai đoạn mở rộng thứ ba. Đây cũng là giai đoạn chứng kiến quá trình đóng tàu sân bay Phúc Kiến, hàng không mẫu hạm thứ ba của Trung Quốc và đã thử nghiệm trên biển hồi tháng 5.
Hình ảnh mới nhất của công ty vệ tinh tư nhân Maxar cho thấy tàu tấn công Type 076 dài khoảng 263m và rộng 43m, nhỏ hơn một chút so với tàu sân bay lớp Nimitz hoặc lớp Ford của Mỹ. Kể từ năm 2019, Trung Quốc đã hạ thủy 4 tàu tấn công Type 075 nhỏ hơn và 4 tàu khác đang đóng theo đơn đặt hàng.
Tình báo hải quân xứ cờ hoa gần đây ước tính tổng năng lực đóng tàu của Trung Quốc hiện cao hơn Mỹ tới 632 lần.
Giới chức ở Washington cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể huy động hàng chục xưởng đóng tàu lớn và hiệu quả hơn so với cơ sở Huntingdon Ingalls, xưởng đóng tàu quân sự lớn nhất của Mỹ nhưng vướng nhiều rắc rối. Viện Hải quân Mỹ vào năm 2021 từng đánh giá nước này chỉ có 7 xưởng đóng tàu có thể đóng chiến hạm lớn, trong khi Trung Quốc có hơn 20 xưởng, cùng với hàng chục cơ sở thương mại vượt mặt các xưởng lớn nhất của Mỹ về quy mô và năng suất.
Điều này phần nào lý giải tại sao số lượng tàu chiến mà Trung Quốc đóng bỏ xa Mỹ. Từ năm 2003-2023, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đội tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lên 42 chiếc. Trong thập niên qua, nước này hạ thủy 23 tàu khu trục mới so với chỉ 11 tàu của đối thủ. Kể từ năm 2017, Trung Quốc đóng 8 tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường trong khi Mỹ trắng tay.
Năng lực sản xuất của Trung Quốc được hỗ trợ bởi một ngành đóng tàu dân sự thậm chí còn lớn hơn. Năm 1999, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc chỉ chiếm 5% trọng tải tàu buôn trên toàn cầu mỗi năm. Hiện nay, tỷ lệ đó đã lên tới hơn 50%, với các xưởng đóng tàu Trung Quốc thu hút gần 60% đơn đặt hàng tàu buôn mới hồi năm ngoái.
Ngược lại, Mỹ chỉ xuất xưởng 15-25 tàu buôn mới mỗi năm, chiếm chưa tới 5% tổng số toàn cầu. Không chỉ vậy, Trung Quốc lấn át các xưởng đóng tàu Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn từng nắm giữ hơn một nửa thị trường toàn cầu nhưng năm ngoái chỉ còn khoảng 40%.
“Lượng” đấu với “chất”
Tốc độ sản xuất tàu chiến của Trung Quốc đang bắt đầu khiến Mỹ lo ngại.
Mỹ có 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cùng các nhóm tác chiến, với kích cỡ và hỏa lực đều lớn hơn 3 tàu sân bay hiện hành của Trung Quốc. Mỹ cũng đang sở hữu một lượng lớn tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử và các tàu ngầm tấn công nhỏ hơn mang ngư lôi, tên lửa hành trình.
Tuy nhiên, về số lượng chiến hạm, Trung Quốc hiện đã vượt qua Mỹ để trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với 234 tàu trên 1.000 tấn so với 219 tàu của Mỹ, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Anh. Trung Quốc có 167 tàu hậu cần chiến đấu, bỏ xa 126 chiếc của Mỹ.
Năm ngoái, cựu chỉ huy Hải quân Mỹ Sam Tangredi cảnh báo rằng “bên có nhiều tàu nhất gần như luôn chiến thắng”. Raymond Kuo, Giám đốc Sáng kiến Đài Loan thuộc Tập đoàn Rand, thì nhận định trong khi các tàu Mỹ có xu hướng phức tạp và lượng giãn nước lớn hơn, khả năng đóng tàu hải quân tương đối nhanh của Trung Quốc đồng nghĩa nước này có thể tái tạo bất kỳ tổn thất chiến đấu nào nhanh hơn đối thủ.
HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, SCMP)