18/06/2014 - 13:49

Mỹ đưa quân đến Iraq

* Washington không phối hợp quân sự với Tehran

Binh sĩ Iraq tại một trạm kiểm soát phía Bắc Thủ đô Baghdad. Ảnh: EPA

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16-6 cho biết đã triển khai 275 nhân viên quân sự đến Iraq nhằm hỗ trợ an ninh cho nhân viên và đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Baghdad sau khi các tay súng thuộc phong trào Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) nắm quyền kiểm soát khu vực phía Bắc nước này.

Trong bức thư gởi các nhà lập pháp, Tổng thống Obama khẳng định "lực lượng này được triển khai với mục đích bảo vệ các công dân và tài sản Mỹ, đồng thời được trang bị để chiến đấu trong trường hợp cần thiết". Một quan chức cho biết, khoảng 170 lính Mỹ đã đến Iraq trong khi 100 binh sĩ khác sẽ được triển khai ở một nước gần đó phòng trường hợp cần thiết. Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney, nhân viên quân sự sẽ hỗ trợ Bộ Ngoại giao di tản tạm thời nhân viên Đại sứ quán Mỹ từ Baghdad đến các Tổng lãnh sự quán ở Erbil, Basra và Đại sứ quán ở Thủ đô Amman của Jordanie. Lực lượng này sẽ ở lại Iraq cho đến khi tình hình an ninh cải thiện nhưng sẽ không tham gia vào cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra bên ngoài Baghdad. Đặc biệt, AP cho hay một quan chức Nhà Trắng tiết lộ Washington dự định điều động số lượng hạn chế các thành viên lực lượng đặc biệt làm nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn cho các nhân viên an ninh Iraq nhưng không được phép tham gia chiến đấu dù Tổng thống Obama trước đó đã loại trừ phương án gởi quân đến quốc gia vùng Vịnh.

Cùng với việc điều động bộ binh, Mỹ còn tăng cường sự hiện diện hải quân tại vùng Vịnh khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết ngoài tàu sân bay USS George H.W. Bush, tàu đổ bộ USS Mesa Verde chở theo khoảng 550 lính thủy đánh bộ và máy bay trực thăng Osprey cũng đã tiến vào Vịnh Persic. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Chuẩn Đô John Kirby cho biết động thái này sẽ giúp Tổng thống Obama linh hoạt bổ sung các phương án hành động quân sự để bảo vệ công dân và lợi ích của Mỹ ở Iraq.

Trong diễn biến có liên quan, các quan chức ngoại giao Mỹ và Iran đã có cuộc trao đổi về tình hình Iraq bên lề vòng đàm phán thứ 5 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ðức) đang diễn ra tại Thủ đô Vienna của Áo.

Trước đó hôm 16-6, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng lên tiếng cho biết không loại trừ hành động quân sự phối hợp giữa Mỹ và Iran nhằm ngăn chặn sự tiến công của ISIL. Theo ông Kerry, Washington "để ngỏ các cuộc thảo luận với Tehran" nếu Iran hỗ trợ chấm dứt bạo lực và khôi phục lòng tin đối với Chính phủ Iraq. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Kirby sau tuyên bố của ông Kerry cũng thẳng thừng bác bỏ ý tưởng về "hoạt động quân sự chung" giữa Mỹ với Iran. Một quan chức cấp cao hôm 17-6 cũng xác nhận vấn đề hợp tác quân sự giữa hai nước không được đề cập trong cuộc gặp cùng ngày và buổi thảo luận cũng "không mang lại kết quả cụ thể nào".

Trong khi đó ngày 17-6, các tay súng nổi dậy tấn công vào huyện al-Kattoun, gần thủ phủ Baquba của tỉnh Diyala, cách Baghdad 60km về phía Đông Bắc. Tại đây đã diễn ra cuộc đấu súng đẫm máu ở sở cảnh sát làm ít nhất 52 kẻ tình nghi là phiến quân Hồi giáo dòng Sunni bị bắt giữ thiệt mạng. 9 tay súng cũng bị bắn chết. Còn ở miền Bắc Iraq, nhà máy lọc dầu quan trọng Baiji đã ngưng hoạt động và các công nhân được sơ tán. Lực lượng ISIL cũng tấn công làng Basheer của thành phố Kirkuk hiện do người Kurd kiểm soát làm 6 dân quân chết.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết