31/03/2025 - 10:07

Mỹ đẩy mạnh chính sách răn đe quân sự Iran 

Iran gần đây đã phản hồi đối với đề xuất đàm phán hạt nhân trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh Washington ồ ạt điều máy bay ném bom đến khu vực.

Máy bay B-2 của Mỹ có thể mang theo 18 tấn bom thông thường hoặc bom hạt nhân. Ảnh: USAF

Hôm 27-3, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi cho biết thông qua Oman, nước này đã gửi phản hồi chính thức bằng văn bản tới Mỹ liên quan đến lá thư của Tổng thống Trump.

Nguồn tin không cung cấp chi tiết về hồi đáp của Iran. Nhưng Ngoại trưởng Araghchi nêu rõ Tehran vẫn giữ quan điểm không đàm phán trực tiếp với Washington một khi chiến dịch “gây sức ép tối đa” của ông Trump vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Iran sẵn sàng đàm phán gián tiếp.

Trước đó, trang tin tức Amwaj.media tiết lộ Iran có thể đề xuất các cuộc đàm phán gián tiếp do Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) làm trung gian.

Trong thư gửi tới Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei hồi đầu tháng 3, ông Trump đã đưa ra thời hạn 2 tháng cho Tehran để ký một thỏa thuận hạt nhân mới, nếu không sẽ phải đối mặt với hành động quân sự tiềm tàng. Tuy nhiên, ông Khamenei đã bác bỏ đề xuất này. Iran từ lâu lập luận rằng các cuộc đàm phán của Washington đi kèm với những điều kiện ràng buộc, được thiết kế để làm suy yếu Tehran thay vì đề nghị một thỏa thuận công bằng.

Phát cảnh báo mạnh mẽ

Thông báo về phản hồi của Iran được đưa ra vài ngày sau khi Mỹ điều ít nhất 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 đến căn cứ quân sự Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, trong đợt triển khai được mô tả là “không tách rời” thời hạn 2 tháng của ông Trump.

Được mệnh danh là “bóng ma bầu trời”, máy bay B-2 có khả năng né tránh các hệ thống phòng không tiên tiến nhất và giáng những đòn tấn công chết người với độ chính xác cao. Đây là máy bay tàng hình duy nhất của Mỹ có thể mang GBU-57, bom phá boongke nặng 15 tấn. Bom này sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ nhằm vào các cơ sở hạt nhân dưới lòng đất của Iran.

Nhiều máy bay phản lực khác cũng được cho là đang trên đường đến căn cứ chiến lược này. Đảo san hô Diego Garcia, một căn cứ quân sự của Anh được Mỹ sử dụng, đặt Iran và Yemen vào tầm hoạt động của các “bóng ma bầu trời”.

Khác với các căn cứ hoặc tàu sân bay ở Trung Đông, Diego Garcia nằm ngoài tầm bắn của tên lửa Iran. Tên lửa đạn đạo tầm xa nhất của nước này ước tính có thể đạt tối đa 2.000km, trong khi Diego Garcia ở cách xa lãnh thổ Iran hơn 3.700km. Máy bay ném bom B-2 thì có tầm hoạt động không cần tiếp nhiên liệu lên tới 9.600km.

Động thái triển khai B-2 như thế sẽ phát thông điệp mạnh mẽ tới Iran, khi căng thẳng tiếp tục gia tăng xung quanh việc nước này ủng hộ phiến quân Houthi và Tehran lưỡng lự đàm phán với chính quyền ông Trump về chương trình hạt nhân.

Mỹ coi chương trình hạt nhân của Iran là mối đe dọa trực tiếp, trong khi Tehran khẳng định nỗ lực của họ chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Giới tình báo Mỹ tin rằng Iran vẫn chưa khởi động chương trình vũ khí, nhưng đã “thực hiện các hoạt động đưa nước Cộng hòa Hồi giáo vào vị thế tốt hơn để sản xuất một thiết bị hạt nhân, nếu họ quyết định làm như vậy”.

“Cân nhắc mọi phương án”

Căng thẳng Washington - Tehran vẫn ở mức cao kể từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký kết với các cường quốc vào năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng đầu năm nay, ông Trump liên tục tuyên bố phải ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Theo Đặc phái viên Mỹ về Trung Đông Steve Witkoff, việc Tổng thống Trump tỏ ý đàm phán với Iran về một thỏa thuận hạt nhân tiềm tàng phản ánh nỗ lực tránh xung đột. Ông Witkoff lưu ý Washington nghiêng về giải pháp ngoại giao hơn là đối đầu quân sự.

Tuy nhiên, một số nhân vật theo đường lối “diều hâu” ở Washington đang lo ngại rằng ông Trump sẽ “chấp nhận” một phiên bản yếu hơn thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Phát biểu trên đài CBS News, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz nhấn mạnh “mọi lựa chọn đều được cân nhắc” và Iran phải từ bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực theo đuổi vũ khí hạt nhân.

Tháng rồi, tờ Washington Post loan tin các quan chức trong chính quyền ông Trump đang yêu cầu “loại bỏ các cơ sở hạt nhân của Iran theo kiểu Libya”. Libya rơi vào nội chiến vào năm 2011 và nhà lãnh đạo nước này đã bị sát hại bởi quân nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn sau khi từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo tạp chí Reason, giới tinh hoa Iran đang tranh luận về việc chế tạo bom nguyên tử, với một số ý kiến cho rằng chính sách hạt nhân của Tehran nên thay đổi nếu đất nước bị đe dọa nghiêm trọng hơn.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết