Trong nỗ lực cạnh tranh với “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross (ảnh) trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) hôm 5-11 đã công bố sáng kiến mang tên “Blue Dot Network” (tạm dịch Mạng lưới Điểm Xanh- BDN) nhằm tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng một cách “bền vững”.

BDN sẽ là nơi an toàn cho các công ty hoạt động nếu họ quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Sáng kiến này được đưa ra sau khi xuất hiện nhiều chỉ trích cho rằng một số dự án của BRI ở Sri Lanka, Myanmar và Lào tạo ra bẫy nợ cho các nước thụ hưởng hoặc không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về minh bạch, quyền của người lao động địa phương cũng như tiêu chuẩn về môi trường” – ông Ross tuyên bố.
Lầu Năm Góc tăng cường ứng dụng AI trong lĩnh vực quân sự
Mỹ cần đẩy mạnh phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực quân sự để đảm bảo lợi thế quyết định trên thực địa trong tương lai.
Theo hãng tin Sputnik, phát biểu ngày 5-11 tại một hội nghị về AI ở thủ đô Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định trong nhiều năm tới, quốc gia nào sử dụng AI trước sẽ có lợi thế quyết định trên thực địa. Ông nêu mục tiêu Mỹ phải trở thành nước đầu tiên có được lợi thế đó. Ông so sánh tình hình hiện tại với thời kỳ Mỹ và Liên Xô cạnh tranh trong cuộc đua phóng vệ tinh nhân tạo thế kỷ trước, trong đó Mỹ đã “chậm chân” và Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào năm 1957.
Bộ trưởng Esper nhận định Trung Quốc và Nga đều thể hiện rất rõ ràng ý định trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực AI, thậm chí Bắc Kinh đã đặt ra mốc mục tiêu là năm 2030.
|
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien cũng có tuyên bố tương tự, nói rằng BDN sẽ giúp chống lại các dự án “chất lượng không cao” đã khiến nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ, cụ thể là các dự án do BRI tài trợ vốn được Washington cho là phá hoại chủ quyền và sự ổn định tài chính của các quốc gia liên quan.
BDN là kết quả sự hợp tác giữa Cơ quan Quản lý Đầu tư tư nhân nước ngoài của Mỹ (OPIC), Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc. Tại diễn đàn nói trên, Nhật Bản và Mỹ đã ký kết một thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỉ USD để phát triển các dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Các bên còn có kế hoạch ký thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á trị giá 7 tỉ USD để hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng khác ở châu Á.
Trong thông cáo trên trang web của OPIC, cơ quan này cho biết BDN được thiết kế nhằm kết hợp khu vực công và tư nhân lại với nhau để “thúc đẩy các tiêu chuẩn chất lượng cao, đáng tin cậy đối với phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu trong khuôn khổ mở và toàn diện”. Theo đó, BDN sẽ đánh giá và chứng thực các dự án cơ sở hạ tầng được chỉ định dựa trên việc tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng theo định hướng thị trường, minh bạch và bền vững về tài chính ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên thế giới.
BDN là một phần trong tầm nhìn chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm duy trì một “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Tuy nhiên, hiện không rõ sáng kiến này sẽ có hiệu quả như thế nào trong việc kìm hãm sự phát triển của BRI trong bối cảnh BRI được bảo hộ bởi nhiều tỉ USD từ các ngân hàng và công ty nhà nước Trung Quốc, trong khi BDN không có chức năng cho vay nhưng lại được cho đóng vai trò là chất xúc tác thu hút tài chính tư nhân.
Đây không phải là lần đầu tiên một sáng kiến được đưa ra nhằm đối đầu với BRI. Trước đó, Liên minh châu Âu và Nhật Bản trong tham vọng cạnh tranh với Trung Quốc hôm 27-9 đã ký kết một hiệp định về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số kết nối châu Âu với châu Á, chính thức hóa sự tham gia của Tokyo trong dự án kết nối Âu-Á mới với nguồn quỹ bảo đảm trị giá 60 tỉ euro.
TRÍ VĂN (Theo ABC News, VOA)