Ngày 17-6, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch chi 3,2 tỉ USD nhằm đẩy nhanh việc phát triển và tìm ra các phương pháp điều trị kháng virus đối với bệnh COVID-19 và các mối đe dọa trong tương lai.

Cố vấn y tế Fauci đứng phía sau Tổng thống Biden. Ảnh: AP
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, kế hoạch này, còn được gọi là “Chương trình chống virus cho đại dịch” sử dụng nguồn kinh phí từ Kế hoạch Giải cứu Mỹ trị giá 1.900 tỉ USD. Gói cứu trợ này đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 3 vừa qua.
Trả lời phóng viên báo chí, Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế chính của Tổng thống Mỹ về đại dịch, cho biết: “Thuốc kháng virus là một bổ sung quan trọng cho các loại vaccine hiện có, đặc biệt là đối với những người ở một số tình trạng có thể khiến họ gặp nguy cơ cao hơn”. Ngoài ra, theo ông Fauci, thuốc kháng virus cũng có thể hoạt động như một tuyến phòng thủ quan trọng chống lại các biến thể đang xuất hiện bởi có nhiều lo ngại rằng những biến thể này có thể tránh được tác dụng bảo vệ của thế hệ vaccine hiện tại.
Chương trình này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc uống kháng virus hiện đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau, chẳng hạn như molnupiravir của Merck cũng như các nỗ lực của Pfizer và Atea-Roche. Ngoài ra, chương trình cũng tài trợ cho việc phát hiện ra các loại thuốc kháng virus mới nhằm không chỉ chống lại SARS-CoV-2 và họ rộng hơn của loại virus này, mà còn là các họ virus khác được cho là có khả năng gây ra đại dịch.
* Trong khi đó, thống kê của Hãng tin Anh Reuters cho biết, số ca tử vong liên quan COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt qua mốc 4 triệu người vào hôm 17-6. Theo Reuters, hơn 1 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, số người chết vì COVID-19 trên thế giới đạt mốc 2 triệu người, nhưng chỉ mất 166 ngày sau, con số này đã vượt mốc 4 triệu.
Năm quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 nhiều nhất lần lượt là Mỹ, Brazil, Ấn Ðộ, Nga và Mexico, chiếm khoảng 50% tổng số người tử vong trên thế giới. Còn các nước Peru, Hungary, Bosnia, Cộng hòa Séc và Gibraltar có số người tử vong bởi COVID-19 theo tỷ lệ dân số cao nhất.
Tuy nhiên, theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 18-6, thế giới ghi nhận tổng cộng 178,18 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 3,85 triệu ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua có thêm 382.569 ca mắc mới và 8.521 ca tử vong. Hiện có 162,68 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 11,64 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 34,37 triệu ca mắc và 616.422 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca mắc mới theo ngày tại Mỹ đang giảm rõ rệt, với 10.420 ca mắc và 277 ca tử vong trong vòng 24 giờ tính tới sáng 18-6. Tại Ấn Ðộ - quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai, số ca mắc mới theo ngày ở mức dưới 100.000 trong 10 ngày qua, thậm chí ngày thứ 4 liên tiếp ghi nhận dưới 70.000 ca. Với 62.409 ca mắc và 1.310 ca tử vong trong 24 giờ qua, đến nay Ấn Ðộ đã ghi nhận tổng cộng 29,76 triệu ca mắc và 383.521 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với tổng số ca mắc là 17,70 triệu và 496.172 ca tử vong. Tuy nhiên, với 74.327 ca mắc mới trong vòng 24 giờ, hiện quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất thế giới.
ÐẶNG HUYỀN