MAI QUYÊN (Theo CNN, AFP)
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cấp cao, Iran với khả năng hiện thời có thể sản xuất đủ vật liệu phân hạch cho một quả bom hạt nhân trong chưa đầy 2 tuần.

Một sinh viên tham quan triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran. Ảnh: AP
Cảnh báo được Thứ trưởng phụ trách chính sách quốc phòng của Lầu Năm Góc, Tiến sĩ Colin Kahl, đưa ra khi bị một nhà lập pháp đảng Cộng hòa chất vấn lý do tại sao chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden lại tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Phát biểu trước phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện, Thứ trưởng Kahl cho biết tiến bộ hạt nhân mà Iran đạt được kể từ lúc chính quyền tiền nhiệm Donald Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) là “rất đáng chú ý”. Cụ thể hơn, quan chức này ước tính vào năm 2018, Iran phải mất khoảng 12 tháng để sản xuất vật liệu phân hạch cho một quả bom. Thì hiện nay, họ chỉ cần tầm 12 ngày.
Đây là một trong những đánh giá nổi bật và chi tiết nhất của Chính phủ Mỹ đến nay về cái gọi là “thời điểm đột phá”, tức lúc Iran tích lũy đủ nguyên liệu phân hạch sản xuất vũ khí hạt nhân. Dựa trên dự đoán này, Thứ trưởng Kahl nói thêm, rằng ngoại giao vẫn là giải pháp tốt nhất so với các lựa chọn khác để giải quyết vấn đề liên quan chương trình hạt nhân Iran. Nhưng tình hình là JCPOA đang bị đóng băng.
Được biết, sau khi kế nhiệm, Tổng thống Biden đã nỗ lực hồi sinh JCPOA thông qua các cuộc đàm phán gián tiếp với Iran. Nhưng 2 năm qua, tiến trình này vẫn rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh như vậy, các quan chức Mỹ khẳng định bên cạnh việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao, Nhà Trắng không loại trừ những lựa chọn khác, kể cả quân sự. Những tháng gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết thỏa thuận hạt nhân Iran hiện “không nằm trong chương trình nghị sự”. Theo Thứ trưởng Kahl, sở dĩ vấn đề đàm phán JCPOA bị đóng băng một phần vì hành vi của Iran đã thay đổi, ít nhất là sự ủng hộ của họ đối với Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Phát hiện uranium gần cấp độ vũ khí tại Iran
Các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Iran - Mỹ diễn ra theo hướng đầy hứa hẹn cho đến đầu tháng 9-2022, khi Iran phản hồi các đề xuất của Mỹ và Washington đáp lại rằng nó không “mang tính xây dựng”. Sau đó, Mỹ và Liên minh châu Âu nói rằng Iran đang đưa ra những “yêu cầu vô lý” liên quan cuộc điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về dấu vết uranium không giải thích được tại các địa điểm mà Tehran chưa công bố là nơi phát triển năng lượng hạt nhân. Kể từ thời điểm trên, không có tiến triển nào được báo cáo.
Về phần IAEA, Hãng tin Reuters cho biết cơ quan này đang thảo luận với Tehran về nguồn gốc “các hạt uranium” được làm giàu có độ tinh khiết lên tới 83,7% mà họ phát hiện gần đây tại cơ sở hạt nhân Fordo dưới lòng đất của Iran. Theo các chuyên gia, việc làm giàu uranium lên mức 90% tương đương với tiêu chuẩn tối thiểu để sản xuất vũ khí hạt nhân. Khi được hỏi về sự hiện diện của các hạt này, Tehran nói rằng có thể là do “những dao động ngoài ý muốn” trong quá trình làm giàu.
Báo cáo trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi dự kiến thăm Tehran nnhững ngày tới, theo lời mời chính thức của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran. Trước đó, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc nhiều lần cảnh báo họ đã mất khả năng giám sát đầy đủ hoạt động nghiên cứu của Iran kể từ khi nước này bắt đầu hạn chế quyền truy cập vào tháng 2-2021. Theo IAEA, kho dự trữ uranium được làm giàu của Iran hiện cao hơn 18 lần so với giới hạn được đặt ra trong thỏa thuận năm 2015 (dưới 300 kg và độ làm giàu ở mức 3,67%). Tính đến ngày 12-2, tổng kho dự trữ uranium đã làm giàu của Iran ước tính đạt 3.760,8 kg. Trong đó, kho dự trữ uranium được làm giàu 20% là 434,7kg và 60% là 87,5 kg.