23/09/2023 - 17:50

Mục tiêu của Hải quân Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương 

Hôm 4-9, tàu huấn luyện Thích Kế Quang của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã rời thành phố Thanh Đảo để đến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương. Theo tờ The Diplomat, Thích Kế Quang sẽ ghé thăm Indonesia, Fiji và Papua New Guinea để tiến hành các đợt huấn luyện song phương.

Sự kiện này đánh dấu lần thứ hai PLAN “đặt chân” tới châu Đại Dương trong năm nay. Trước đó, tàu bệnh viện của PLAN Daishan Dao hay còn được gọi là Peace Ark (Hỗ trợ Hòa bình) đã đến Kiribati, Quần đảo Solomon, Tonga, Vanuatu và Timor-Leste trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9. Tương tự như hoạt động triển khai siêu bệnh viện USNS Mercy của Hải quân Mỹ, những chuyến thăm cảng do Peace Ark thực hiện cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí ở các quốc đảo Thái Bình Dương.

Người dân Quần đảo Solomon xếp hàng tham quan tàu Peace Ark hôm 19-8 sau khi nó cập cảng Honiara. Ảnh: AP

Người dân Quần đảo Solomon xếp hàng tham quan tàu Peace Ark hôm 19-8 sau khi nó cập cảng Honiara. Ảnh: AP

Theo truyền thông Vanuatu, Peace Ark đã đón hơn 5.700 du khách và điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân trong chuyến thăm nước này. Trong khi đó tại Tonga, Peace Ark cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho nước này sau vụ núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha’apai phun trào gây sóng thần hồi năm 2022. Còn tại Quần đảo Solomon - điểm nóng trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung ở Thái Bình Dương, Peace Ark đã cập cảng quốc đảo này trong một tuần. Được biết, tàu bệnh viện Mercy của Hải quân Mỹ hồi tháng 8 năm ngoái cũng đã đến thăm Quần đảo Solomon và sẽ cập lại cảng Honiara vào tháng 11 tới để cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khi nơi đây đăng cai Thế vận hội Thái Bình Dương với sự tham dự của 24 nước.

Do tầm quan trọng của khu vực, PLAN có thể sẽ tăng số chuyến thăm châu Đại Dương trong vài năm tới. Đây là một phần trong nỗ lực của PLAN nhằm “tăng cường mối quan hệ quân sự hữu nghị truyền thống với các đối tác Nam Thái Bình Dương”. Theo giới phân tích, những mối quan hệ như vậy là nhằm thúc đẩy tuyến đường kinh tế “từ Biển Đông vào Thái Bình Dương” và có khả năng hỗ trợ PLAN trong nỗ lực chuẩn bị cho các hoạt động quân sự ở Chuỗi đảo thứ hai ở Tây Thái Bình Dương - trải dài từ Ðông Nam Nhật Bản tới đảo Guam và phía Nam Indonesia, gồm “giám sát tầm xa” và “phản ứng linh hoạt” trong thời điểm nổ ra xung đột.

PLAN lần đầu được triển khai tới châu Đại Dương vào năm 1976 để tiến hành các hoạt động khảo sát. Sau đó vào năm 1980, một hoạt động lớn khác của PLAN được triển khai khi lực lượng đặc nhiệm gồm 18 tàu được đưa tới khu vực để thực hiện nhiệm vụ thu hồi tên lửa. Năm 1998, PLAN thực hiện chuyến ghé thăm cảng đầu tiên ở châu Đại Dương khi một nhóm đặc nhiệm gồm 3 tàu đến thăm Úc và New Zealand. Kể từ đó, các tàu của PLAN ghé thăm các cảng ở châu Đại Dương ít nhất 54 lần và tần suất các chuyến thăm tăng lên rõ rệt bắt đầu từ năm 2010. Kể từ năm 2014, các tàu của PLAN một năm có ít nhất một lần ghé thăm các cảng tại khu vực.

Trong khi Úc và New Zealand trong lịch sử thường xuyên tiếp đón các tàu PLAN thì các nước khu vực Melanesia và Tây Polynesia chiếm phần lớn các quốc gia được các tàu của PLAN ghé thăm kể từ năm 2017. Đáng chú ý, các tàu của PLAN ghé thăm Fiji tới 20 lần, gồm 16 chuyến do tàu nghiên cứu và khảo sát Viễn Vọng thực hiện. Chỉ riêng trong năm 2022, tàu Viễn Vọng đã thực hiện ít nhất 4 chuyến thăm tới quốc đảo này.

Không những vậy, PLAN trong giai đoạn 2018-2019 còn cử một nhóm gồm 18 cố vấn tới Fiji nhằm giúp huấn luyện hải quân nước này vận hành tàu khảo sát thủy văn RFNS Kacau trị giá 4,4 triệu USD do Trung Quốc tài trợ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết