16/02/2011 - 14:19

Mỗi ngày chúng ta "nạp" 174 trang báo

So với năm 1986, lượng thông tin mà hiện nay mỗi người chúng ta tạo ra hằng ngày tăng gần 200%. Ảnh: Alamy

Nếu bạn cho rằng mình đang rơi vào tình trạng quá tải thông tin, có lẽ bạn đúng. Theo một nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ, hiện nay mỗi ngày chúng ta tiếp nhận lượng thông tin khổng lồ tương đương 174 trang báo - nhiều gấp 5 lần so với năm 1986.

Nghiên cứu của Tiến sĩ Martin Hilbert ở Đại học Nam California và đồng nghiệp Priscila Lopez của Đại học Mở Catalonia điều nghiên những cách thức khác nhau mà con người sử dụng công nghệ để lưu trữ, giao tiếp và tính toán thông tin trong giai đoạn 1986-2007. Năm 1986, thông tin được lưu trữ chủ yếu ở dạng tương tự (analog): hầu hết trên băng video và các thiết bị như đĩa nhựa, băng cassette, hình ảnh, sách và báo. Đến năm 2002, nhân loại chuyển dần sang lưu dữ liệu trên ổ cứng, DVD, chip máy tính do những thiết bị này có không gian lưu trữ nhiều hơn so với các thiết bị analog. Và chỉ sau 5 năm, năm 2007, các nhà nghiên cứu nhận thấy 94% thông tin trên thế giới được lưu trữ dưới dạng số.

Tăng trưởng đáng kinh ngạc

Theo Hilbert, dung lượng lưu trữ toàn cầu tăng trung bình gấp đôi sau mỗi 3 năm 4 tháng, và đến năm 2007 đạt 295 exabyte (295 nghìn tỉ megabyte). “Nếu tôi lưu trữ tất cả thông tin này trong đĩa CD-ROM, tôi có thể xếp thành một đống cao ngất tận Mặt trăng”. Hilbert cho rằng hiện nay thư viện ở một trường đại học lớn chứa khoảng 40.000 đầu sách. Nếu chuyển toàn bộ thông tin đang được lưu trữ trong các thiết bị kỹ thuật số trên thế giới thành sách, ước tính mỗi người trên Trái đất sẽ sở hữu số sách nhiều gấp 15 lần so với sách trong thư viện trường đại học. Hilbert và cộng sự cho rằng dung lượng lưu trữ toàn cầu hiện nay tăng nhanh gấp 4 lần so với nền kinh tế thế giới và dung lượng viễn thông cũng đang phát triển với tốc độ tương đương. Cụ thể, dung lượng đối với kênh viễn thông hai chiều như Internet và mạng điện thoại tăng gấp 4,6 lần so với kênh thông tin một chiều: truyền hình và phát thanh.

Ở góc độ cá nhân, năm 1986 thông qua các phương tiện liên lạc như bưu điện, điện thoại và máy fax, mỗi người tạo ra thông tin tương đương khoảng 2,5 trang báo mỗi ngày. Đến năm 2007, con số này tăng lên 6 trang báo nhờ sự hỗ trợ của e-mail, ảnh kỹ thuật số và các trang mạng xã hội. Nếu tất cả thông tin mà chúng ta tạo ra hằng ngày được lưu trữ lại thì đến nay, mỗi người sẽ sở hữu lượng dữ liệu tương đương 600.000 quyển sách được lưu trong máy tính, chip và thậm chí cả trên dải băng màu đen ở mặt sau thẻ tín dụng. Đó là về mặt “sản xuất”. Còn về mặt tiêu thụ, cách đây 25 năm, trung bình hằng ngày mỗi người tiếp nhận lượng thông tin tương đương khoảng 40 trang báo. Năm 2007, khi ngày càng nhiều thông tin được truyền phát qua truyền hình, Internet và điện thoại di động, lượng dữ liệu mà mỗi người dung nạp tương đương với đọc 174 trang báo mỗi ngày. Theo Hilbert, so với 100 năm trước - thời mà nhiều người cho rằng việc đọc được 50 quyển sách trong đời là điều may mắn thì hiện nay, hầu hết trẻ em đã và đang xem hàng trăm bộ phim. Với việc tiếp nhận một khối lượng thông tin hằng ngày, Hilbert và các đồng nghiệp cho rằng bộ não của chúng ta đã tỏ ra rất linh hoạt và rất giỏi trong việc hiểu và xử lý thông tin tiếp nhận.

Vẫn còn thua xa thế giới tự nhiên

Tuy nhiên, nếu so với thế giới tự nhiên, công nghệ lưu trữ của con người vẫn còn khá khiêm tốn. Theo Hilbert, tính ra 295 exabyte thông tin đang hiện diện trên thế giới chưa bằng 1% thông tin được lưu trữ trong tất cả phân tử ADN của mỗi người. “Con số 295 exabyte khá ấn tượng nhưng nếu so với khả năng xử lý thông tin của tự nhiên, nó thật sự rất nhỏ. Nếu tất cả máy tính trên thế giới hoạt động cùng một lúc, mỗi giây chúng có thể tạo ra những chỉ dẫn tương đương với bộ não của một người tạo ra các xung thần kinh trong một giây”, Hilbert so sánh. Tiến sĩ Hilbert kết luận mặc dù khả năng lưu trữ và xử lý thông tin của máy móc hiện nay đang tăng trưởng với mức độ chóng mặt, nhưng còn lâu lắm mới bì kịp khả năng xử lý thông tin trong thế giới tự nhiên.

DUYÊN MAI
(Theo Telegraph, ABC)

Chia sẻ bài viết