12/08/2011 - 08:49

Mối lo từ một đồng minh

Có lẽ giới cầm quyền Mỹ không ngờ rằng đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày những người biểu tình ủng hộ dân chủ dưới sự giật dây của họ nổi dậy lật đổ Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, những nỗ lực của họ nhằm cái gọi là “thúc đẩy cải cách dân chủ” lại tạo ra sự xáo trộn không mong đợi trong mối quan hệ của họ với một trong những đồng minh gần gũi nhất trong thế giới A-rập.

Thời báo Los Angeles số ra ngày 10-8 cho biết kế hoạch của chính quyền Tổng thống Barack Obama nhằm rót 65 triệu USD vào Ai Cập trong năm nay để giúp nước này tổ chức các đảng chính trị mới đã vấp phải phản ứng dữ dội từ chính quyền quân sự lâm thời của Cairo, các đảng Hồi giáo Ai Cập và cả những nhà hoạt động có đầu óc cải cách ở nước này. Mối quan hệ “cơm không lành, canh không ngọt” ấy càng lộ rõ hơn hôm 10-8 vừa qua khi Bộ Ngoại giao Mỹ công khai phê phán “chủ nghĩa chống Mỹ” đang gia tăng ở Ai Cập và phàn nàn rằng những chỉ trích của Cairo về động cơ và khoản viện trợ của Mỹ dành cho nước này là “không đúng đắn” và “không công bằng”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cảnh báo về cái bà gọi là “kiểu chủ nghĩa chống Mỹ này đang tăng dần trong công chúng Ai Cập”. Bà cũng lên án các vụ tấn công cá nhân nhằm vào Anne Patterson, tân Đại sứ Mỹ tại Ai Cập, cho rằng điều đó là “không thể chấp nhận được”. Một tạp chí do nhà nước Ai Cập quản lý gần đây gọi Patterson là “Đại sứ đến từ địa ngục”. Các quan chức Mỹ cho biết Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nêu vấn đề này hôm 28-7 với tân lãnh đạo giới tình báo Ai Cập, Thiếu tướng Murad Muwafi, nhân dịp ông đến thăm Washington. “Điều này có nghĩa, đến cuối cùng, ảnh hưởng của chúng ta (của Mỹ với Ai Cập) sắp tiêu tan”- Daniel Kurtzer, người làm đại sứ Mỹ tại Ai Cập thời Tổng thống Bill Clinton, kết luận.

Thiếu tướng Mohamme al-Assar, một thành viên của Hội đồng Quân lực Tối cao Ai Cập, đã thẳng thừng chỉ trích Mỹ trực tiếp tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ không qua sự giám sát của chính quyền. Ông al-Assar tuyên bố đó là hành động vi phạm pháp luật, can thiệp vào vấn đề nội bộ và chủ quyền của Ai Cập. Theo al-Assar, đa số người dân Ai Cập tin rằng Mỹ dùng tiền tài trợ để ép buộc các đảng phái chính trị phải nghe theo họ như họ đã từng làm thời ông Hosni Mubarak còn nắm quyền. Còn về gói tài trợ quân sự trị giá 1,3 tỉ USD/năm cũng như việc Mỹ xóa nợ 1 tỉ USD cùng 100 triệu USD hỗ trợ thúc đẩy kinh tế, ông al-Assar nói rõ Cairo vẫn cần sự trợ giúp chớ không cần sự can thiệp của Mỹ.

Hiện nay, Ai Cập đã từ chối gói viện trợ 3 tỉ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và 1 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới (WB) vốn kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc khắt khe. Trong khi đó, Cairo sẵn sàng chấp nhận 17 tỉ USD tài trợ từ các nước láng giềng – một dấu hiệu mà Thời báo Los Angeles nhận định là “đã cho thấy Cairo muốn thắt chặt quan hệ với những chế độ có nhiều yếu tố tương đồng hơn là theo nền dân chủ kiểu phương Tây”. Quân đội Ai Cập, thể chế quyền lực nhất ở quốc gia Kim tự tháp, cũng bắt đầu chính sách đối ngoại độc lập hơn khi nối lại quan hệ với các đối thủ của Mỹ, trong đó có Iran và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, càng khiến giới cầm quyền Mỹ lo âu.

KIẾN HÒA (Theo AP, LaTimes)

Chia sẻ bài viết