04/07/2019 - 13:02

Mỗi giờ rừng Amazon mất diện tích bằng 90 sân bóng đá 

Tình trạng phá rừng Amazon trong tháng 6 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà hoạt động môi trường gọi đây dấu hiệu cho thấy chính sách của tân Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro bắt đầu phát huy... tác hại.

Một vạt rừng bị đốn hạ ở miền Bắc Brazil. Ảnh: AFP

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), mức độ phá rừng nhiệt đới Amazon “ổn định” trong vài tháng đầu nhiệm kỳ của ông Bolsonaro, nhưng bắt đầu tăng mạnh trong 2 tháng qua. Hình ảnh vệ tinh cho thấy chỉ riêng tháng 6 đã chứng kiến 769,1km2 rừng bị đốn hạ, so với 488,4km2 của tháng 6-2018. Nói cách khác, cứ mỗi phút trôi qua rừng Amazon lại mất đi diện tích tương đương hơn 1,5 sân bóng đá tiêu chuẩn.

Các tổ chức hoạt động vì môi trường đổ lỗi cho vị lãnh đạo cực hữu Bolsonaro và chính phủ của ông, khi nới lỏng việc kiểm soát nạn chặt phá rừng. Thật ra, điều này đã được dự báo trước bởi khi vận động tranh cử hồi năm ngoái, chính khách này cam kết nếu đắc cử sẽ tập trung vào việc vực dậy kinh tế quốc gia Nam Mỹ và tìm cách khai thác tiềm năng kinh tế của rừng Amazon. Ông Bolsonaro và các bộ trưởng cũng từng công khai chỉ trích việc gia tăng các biện pháp xử phạt vi phạm về môi trường tại rừng Amazon. Các vị này tin rằng Amazon hiện được bảo vệ quá mức và nó cần được khai thác để thúc đẩy kinh tế phát triển. Tổng thống Bolsonaro thậm chí cũng đã đảo ngược nhiều quy định và biện pháp trừng phạt mà các chính phủ tiền nhiệm đặt ra nhằm kéo giảm tình trạng tàn phá rừng.

Theo tổ chức Giám sát môi trường, nông dân và các công ty khai thác mỏ đã chộp lấy cơ hội trên, lợi dụng việc buông lỏng kiểm soát và giám sát để giành quyền quản lý ngày càng nhiều diện tích đất rừng bên trong Amazon. Chính phủ đương nhiệm cũng ủng hộ nông dân được quyền dọn đất rừng để làm nông. Rất nhiều diện tích rừng đã bị dọn sạch để chăn thả gia súc hoặc trồng các loại nông sản xuất khẩu như đậu nành. Tuy nhiên, dạng nông nghiệp này không bền vững bởi phần đất phía dưới rừng sẽ xấu đi. Sau một thời gian ngắn canh tác, nông dân thường bỏ mảnh đất này. Ngoài ra, thủ phạm phá rừng còn là những đối tượng săn tìm các loài cây có giá trị hoặc công ty mở đồn điền trồng cọ dầu.

Rừng rậm nhiệt đới Amazon có diện tích gần 7 triệu km2, trải dài trên lãnh thổ của 8 nước gồm Brazil, Peru, Bolivia, Ecuador, Colombia, Venezuela, Guyana và Suriname, trong đó phần lớn diện tích rừng nằm trên lãnh thổ Brazil. Amazon là rừng nhiệt đới lớn nhất và cũng đa dạng sinh học nhất hành tinh (hơn 40.000 loài thực vật, 1.300 loài chim và hơn 4.200 loài động vật hiện đang sinh sống tại phần rừng Amazon nằm trên lãnh thổ Brazil). Mỗi năm, rừng này hấp thu đến 2 tỉ tấn CO2 từ bầu khí quyển Trái đất và sản sinh 20% lượng ôxy, nên thường được ví như “lá phổi của hành tinh”. Amazon cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực trì hoãn tình trạng ấm lên toàn cầu hiện nay. Đây cũng là mái nhà chung của vô số loài động thực vật và khoảng 1 triệu thổ dân. Vì lẽ đó, nhiều quốc gia và các nhà hoạt động trên khắp thế giới đều tham gia bảo tồn Amazon. Một số chuyên gia tin rằng Amazon sẽ không thể tự phục hồi trong 20-30 năm tới nếu tốc độ phá rừng vẫn giữ nguyên.

THANH BÌNH (Theo CNN, AP)

 

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
rừng Amazon