26/05/2013 - 21:18

Mặt trận al-Nusra dưới “bóng ma” nhánh al-Qaeda Iraq

Phiến quân al-Qaeda liên kết Mặt trận al-Nusra tại căn cứ Không quân Taftanaz. Ảnh: AP

Trong bài viết thể hiện cái nhìn quan ngại về tình trạng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn mạnh trong cuộc xung đột ở Syrie và đe dọa đến sự ổn định khu vực, hãng tin Anh Reuters nhận định Mặt trận al-Nusra – nhóm phiến quân chủ chốt trong cuộc chiến chống lại chính quyền Tổng thống Syrie Bashar al-Assad đang bị “bao phủ” bởi một lực lượng thánh chiến cực đoan hơn với mục tiêu không chỉ nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Syrie.

Mặt trận al-Nusra được biết đến bởi các vụ đánh bom đẫm máu trong cuộc nội chiến Syrie và phát triển thành một lực lượng đáng gờm khi dẫn đầu phần lớn  những cuộc tấn công trên khắp các mặt trận. Hồi năm ngoái, Mỹ đã liệt lực lượng này vào danh sách các tổ chức khủng bố. Một quan chức Mỹ hôm 17-5 cho biết: “Chúng tôi vẫn lo ngại về ảnh hưởng của các nhóm cực đoan, trong đó có nhánh al-Qaeda ở Iraq. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã và đang phối hợp cũng như bàn thảo với các đối tác tiếp tục tăng cường thế lực đối lập ôn hòa và bất kỳ bên hỗ trợ nào cho lực lượng này, bao gồm Hội đồng Quân sự Tối cao (SMC)”.

Nhưng theo nguồn tin từ nội bộ Mặt trận al-Nusra và những phiến quân khác, nhánh al-Qaeda ở Iraq vốn hỗ trợ lực lượng này trong giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy đang từng bước tiến hành thâm nhập và tiếp cận vào sâu bên trong tổ chức. Reuters cho rằng, nhánh al-Qaeda ở Iraq với hàng ngàn tay súng không chỉ nhắm đến mục tiêu lật đổ chế độ Tổng thống al-Assad mà còn hướng đến cuộc thánh chiến chống lại phương Tây. “Mặt trận al-Nusra hiện giờ đang bị chia rẽ từ bên trong và phân thành hai nhóm. Một bên theo đuổi mục tiêu của al-Qaeda về một quốc gia Hồi giáo lớn hơn, trong khi lực lượng còn lại bao gồm những người Syrie lấy nhiệm vụ chống lại Tổng thống al-Assad làm chính”- theo một nhân vật lãnh đạo cấp cao của lực lượng phiến quân Syrie và có quan hệ mật thiết với Mặt trận al-Nusra. Riêng một số khác thì nói rằng Mặt trận al-Nusra đang có dấu hiệu sụp đổ, thậm chí “vết nứt” đang ngày một sâu rộng khi vai trò thủ lĩnh của Abu Mohammad al-Golani đang ngày một yếu đi trong khi các tay súng trong hàng ngũ lần lượt phân tán và tham gia các lữ đoàn Hồi giáo khác.

Trong thông báo hồi tháng 4, thủ lĩnh nhóm khủng bố al-Qaeda tại Iraq hay còn tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq Abu Bakr al-Baghdadi cho biết đã sáp nhập lực lượng này với Mặt trận al-Nusra và tiến tới thành lập cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant”. Tuy nhiên, phía al-Golani nói rằng ông không được tham khảo ý kiến và còn thề rằng chỉ trung thành với lãnh đạo mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda Ayman al-Zawahri, đồng thời khẳng định chiến binh của ông sẽ tiếp tục hoạt động dưới ngọn cờ riêng của Mặt trận al-Nusra để giữ khoảng cách với al-Baghdadi.

Mặc dù vậy, Reuters cho biết al-Baghdadi vẫn tiếp tục di chuyển vào miền Bắc Syrie để tăng cường kiểm soát các hoạt động của al-Qaeda tại nước này mặc dù không mấy “được lòng” các chiến binh Syrie. Theo họ, al-Baghdadi là một nhân vật tàn bạo và “tư lợi cuộc cách mạng Syrie” khi chỉ hướng đến mục tiêu áp đặt quy tắc Hồi giáo cực đoan thay vì tập trung vào cuộc chiến lật đổ chế độ Tổng thống al-Assad. Mặt khác, một số người còn lo ngại “hiện tượng Iraq” lần nữa sẽ tái diễn ở Syrie nếu tầm ảnh hưởng al-Baghdadi ngày càng lan rộng.

“Chúng tôi bác bỏ sự hiện diện của al-Baghdadi tại Syrie bởi không chấp nhận các phương thức điều hành của ông ta. al-Baghdadi và các chiến binh của mình nên quay trở lại Iraq”- theo một nguồn tin thân cận với nhân vật lãnh đạo al-Golani. Theo đó, al-Golani đang chờ đợi thủ lĩnh al-Zawahri giải quyết vấn đề này và hy vọng ông ta sẽ kêu gọi al-Baghdadi quay trở lại Iraq. Nguồn tin này nói: “Hiện thời, chúng tôi có hai sự lựa chọn. Một là al-Zawahri tuyên bố tách Mặt trận al-Nusra khỏi Nhà nước Hồi giáo Iraq. Hai là ông ta để al-Baghdadi ở lại Syrie và nếu điều đó xảy ra thì quả là một thảm họa. al-Baghdadi đã gây ra tổn thất vô cùng to lớn cũng như phá hủy Mặt trận al-Nusra”.

Và nếu viễn cảnh Mặt trận al-Nusra bị “tan đàn xẻ nghé” trước tình trạng phân hóa thành hàng trăm nhóm vũ trang như hiện nay thì khả năng phương Tây sẽ bị đẩy vào thế kẹt với các cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề can thiệp và cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syrie trước lo ngại vũ khí rơi vào tay các thế lực Hồi giáo cực đoan. Trong trường hợp phương Tây chọn phương thức can thiệp thì mục tiêu mà họ hướng đến sẽ là lực lượng al-Qaeda thuộc phe đối lập hơn là chế độ của Tổng thống al-Assad.

VI VI (Theo Reuterrs)

 

Chia sẻ bài viết