20/11/2023 - 07:25

Mặt tối đằng sau cuộc đua khai thác lithium ở châu Phi 

Theo các điều tra, cơn sốt khai thác lithium ở châu Phi có nguy cơ thúc đẩy tình trạng tham nhũng và gây hại cho người dân địa phương cũng như môi trường tự nhiên.

Một nhà máy xử lý lithium thô tại Zimbabwe.

Tại Namibia, người lao động địa phương liên tục than phiền về điều kiện ăn ở và làm việc tồi tệ ở mỏ khai thác lithium Uis - do công ty Xinfeng Investments của Trung Quốc điều hành. Vào tháng 8, một phái đoàn tìm hiểu thực tế của Hiệp hội thợ mỏ Namibia đã đến Uis xác minh thì phát hiện cuộc sống của người lao động ở đó thực sự rất tệ. Họ ở trong những căn lều nhỏ hẹp làm bằng tôn, nóng bức và ngột ngạt, khu vệ sinh và tắm rửa cũng thiếu riêng tư vì không có vách ngăn giữa các buồng vệ sinh. Không chỉ vậy, Xinfeng Investments còn bị chỉ trích vì không cấp quần áo bảo hộ và đảm bảo áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn cho lao động địa phương.

Đây không phải là lần đầu Xinfeng Investments bị chỉ trích. Một điều tra gần đây của tổ chức phi lợi nhuận Global Witness (có trụ sở tại Anh) về khai thác lithium ở châu Phi cũng đưa ra các cáo buộc chống lại công ty này, từ việc mua lại mỏ ở Uis nhờ hối lộ cho đến khai thác mỏ này bằng loại giấy phép dành cho thợ mỏ thủ công. Điều này có nghĩa Xinfeng Investments chỉ phải trả một số tiền rất nhỏ để tiếp cận nguồn lithium, đồng thời lách được một số quy định về môi trường của Namibia.

Giống như ở Namibia, cuộc điều tra cũng ghi nhận các hành vi vi phạm nhân quyền, tham nhũng, khiến người dân mất chỗ ở và điều kiện làm việc không an toàn tại các mỏ lithium khác ở CHDC Congo và Zimbabwe. Colin Robertson, điều tra viên cấp cao của Global Witness, cho biết: “Nhiều thập niên qua, lĩnh vực khai thác mỏ ở châu Phi thường dính tới tham nhũng và người dân không thực sự hưởng lợi… Điều này rất đáng lo ngại”.

Vì sao các nước đổ xô khai thác lithium?

Được ví là “vàng trắng” của cuộc cách mạng năng lượng tái tạo, lithium là thành phần quan trọng của pin lithium-ion có thể sạc lại, dùng cấp năng lượng cho nhiều máy móc - từ điện thoại di động cho đến xe hơi điện. Những loại pin như vậy cũng được dùng để lưu trữ năng lượng sạch từ điện Mặt trời hoặc điện gió.

Trên toàn cầu, nguồn cung cấp lithium chính đến từ Úc, Chile và Trung Quốc, 3 nước cung ứng tới 90% sản lượng kim loại nhẹ này vào năm 2022. Dù chỉ nắm khoảng 5% trữ lượng lithium của thế giới, nhưng châu Phi còn rất nhiều lithium do phần lớn các mỏ tại đây chưa được khai thác. Hiện chỉ có Zimbabwe và Namibia xuất khẩu quặng lithium, còn các dự án khai thác lithium ở các nước như Congo, Mali, Ghana, Nigeria, Rwanda và Ethiopia đang trong giai đoạn thăm dò hoặc phát triển.

Với việc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu lithium có thể sẽ tăng gấp 40 lần vào năm 2040, các nước lớn và công ty quốc tế đang chạy đua để giành quyền tiếp cận nguồn lithium tại lục địa đen. Vì vậy, nhiều quốc gia châu Phi đang trong cơn sốt khai thác lithium. Zimbabwe - nước có trữ lượng lithium lớn nhất châu Phi và đứng thứ 6 toàn cầu về xuất khẩu lithium - đã kiếm được 209 triệu USD từ khoáng sản này trong 9 tháng đầu năm 2023. Còn Namibia, Tanzania và Zimbabwe thì cấm xuất khẩu lithium thô hoặc chưa qua chế biến vì muốn tăng thêm giá trị từ khoáng sản này.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu việc khai thác lithium có mang lại lợi ích gì cho Zimbabwe hay không, ông Farai Maguwu - Giám đốc Trung tâm Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên - thẳng thắn đáp: “Không hề”. 

Ngoài mối lo về môi trường, cuộc đua khai thác lithium còn đem lại nỗi lo sợ về sự độc quyền của Trung Quốc. Hãng tư vấn Benchmark Mineral Intelligence ước tính hơn 4/5 lượng lithium ở châu Phi, tương đương 83% nguồn lithium dự báo sẽ được khai thác trong thập kỷ này, đến từ các dự án có sự góp mặt của các công ty Trung Quốc. Trong năm 2022, 3 “gã khổng lồ” về khai thác mỏ của Trung Quốc đã mua lại các mỏ và dự án lithium trị giá 678 triệu USD ở Zimbabwe. Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Luật Môi trường Zimbabwe đã cảnh báo: “Sự thống trị (về khai thác lithium) của một quốc gia có thể dẫn đến những kết quả không mong muốn - như đánh giá thấp tài nguyên khoáng sản, trốn thuế và vi phạm nhân quyền trong lĩnh vực này”.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

Chia sẻ bài viết