05/08/2012 - 21:36

Mất cân đối thương mại gây sứt mẻ quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ

New Delhi đang có những bước đi nhằm điều chỉnh sự mất cân đối thương mại với Bắc Kinh. Ảnh: wsj.

Lo ngại về khoảng cách thương mại giữa hai nước ngày càng lớn, Ấn Độ đang ra sức buộc Trung Quốc phải tăng cường nhập khẩu hàng hóa của họ, song song với những động thái cho thấy New Delhi cũng giảm nhập hàng hóa từ Bắc Kinh.

New Delhi đã thất bại khi các cuộc đàm phán thương mại được tổ chức nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi cuối năm 2010 đã không mang lại tín hiệu khả quan nào. Tỷ lệ nhập siêu thương mại hàng hóa Trung Quốc của Ấn Độ đã nhảy vọt lên đến 42%, gần 40 tỉ USD trong tài khóa vừa qua (kết thúc vào ngày 31-3-2011). Đây chính là nguyên do lớn nhất tạo nên khoảng cách về xuất và nhập khẩu giữa hai nước.

Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Anand Sharma đã bày tỏ lo ngại về sự mất cân đối thương mại giữa New Delhi và Bắc Kinh. Theo ông Sharma, trong tháng này, Ấn Độ sẽ chủ trì cuộc họp với sự góp mặt của giới chức Trung Quốc mà tình trạng mất cân đối thương mại sẽ là “chủ đề chính của cuộc họp”.

Những khó khăn trong lãnh vực thương mại của Ấn Độ đã đe dọa nghiêm trọng đối với quốc gia này. Tỷ lệ thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ, so với cán cân thương mại thế giới, là 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quí 1 năm nay. Chính điều này hình thành một lực cản to lớn đối với đồng rupee cũng như tạo nên sức ép khủng khiếp đối với khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Ấn Độ.

Trung Quốc xuất khẩu nhiều mặt hàng sang Ấn Độ, từ thiết bị công nghiệp nặng cho đến mỹ phẩm, máy tính xách tay, trong khi các công ty Ấn Độ dường như vẫn chưa thể làm điều ngược lại. Đối với Trung Quốc, Ấn Độ luôn muốn tiếp cận gần hơn các “mặt hàng giá trị gia tăng” và cũng muốn đối thủ tăng cường nhập khẩu ở các lãnh vực chẳng hạn như dược phẩm, ông Sharma cho biết thêm. Gần đây, Ấn Độ đã công bố danh sách 916 mặt hàng mà họ tin rằng Trung Quốc có thể sẽ mua với số lượng lớn.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, trong khoảng hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đi từ nguồn nhập khẩu lớn thứ 7 của Ấn Độ lên vị trí số 1, qua mặt cả Mỹ, Đức và Nhật Bản. Nhằm hạn chế vấn đề trên, cuối tháng qua, Nội các Ấn Độ đã thông qua mức thuế 21% đối với việc nhập khẩu các thiết bị cung cấp cho những dự án năng lượng lớn. Động thái được cho là nhằm bảo vệ những nhà sản xuất nội địa trước các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc.

Một số quan chức Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc ngăn chặn hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ. “Có những kiểu đánh thuế mà một số mặt hàng của chúng tôi như dược phẩm, hóa chất, sản phẩm chế biến, đã không đơn giản để có thể tiếp cận được thị trường Trung Quốc”- Rahul Khullar, cựu quan chức hàng đầu của Bộ Thương mại Ấn Độ lên tiếng. Các công ty dược phẩm Ấn Độ đang là nhà cung cấp hàng đầu những loại thuốc giá rẻ. Họ đã gặt hái được những thành công lớn tại Mỹ, Anh, Đức và các thị trường châu Âu, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu thuốc và hợp chất bào chế thuốc từ 3,3 tỉ USD trong năm 2004 lên đến 10,4 tỉ USD hồi năm rồi. Tuy nhiên tại Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng trên của Ấn Độ giảm 12% kể từ năm 2007, tức chỉ còn 108 triệu USD.

Các công ty dược phẩm Ấn Độ còn than vãn về “giá cắt cổ” ở Trung Quốc và khả năng không thể đáp ứng được yêu cầu của hệ thống y tế nhà nước nơi đây. Một bản ghi nhớ của Chính phủ Ấn Độ được Đại sứ quán nước này soạn thảo đã trình tại Bắc Kinh hồi năm rồi cho rằng, các công ty Ấn Độ đã bị cản trở bởi những rào cản được điều chỉnh của Trung Quốc. Theo bản ghi nhớ trên, việc đăng ký loại thuốc mới phải mất từ 3-4 năm ở Trung Quốc, so với chỉ 10 tháng ở Ấn Độ. Các nhà điều chỉnh luật yêu cầu các công ty Ấn Độ phải tiến hành các thử nghiệm y tế tại Trung Quốc, điều mà các công ty trên miễn cưỡng thực hiện.

THANH LIÊM (Theo Wall Street Journal)

New Delhi đang có những bước đi nhằm điều chỉnh sự mất cân đối thương mại với Bắc Kinh. Ảnh:

Chia sẻ bài viết