08/01/2025 - 06:25

Lý do ông Trudeau từ chức Thủ tướng Canada 

Sau nhiều tuần chịu áp lực gia tăng, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6-1 tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền, nhưng ông vẫn tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng cho tới khi một nhà lãnh đạo mới được lựa chọn.

Yếu tố Trump

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Trudeau khẳng định Canada cần có một sự lựa chọn thực sự trong cuộc bầu cử tiếp theo và ông nhận thấy bản thân không thể là lựa chọn tốt nhất trong cuộc bầu cử đó. Nhà lãnh đạo 53 tuổi viện dẫn “những cuộc chiến nội bộ” khi ông quyết định kết thúc 9 năm nắm quyền.

Thủ tướng Trudeau tuyên bố từ chức lãnh đạo đảng Tự do cầm quyền. Ảnh: AFP

Ông Trudeau nhậm chức vào tháng 11-2015 và tái đắc cử hai lần, trở thành một trong những Thủ tướng tại vị lâu nhất ở Canada. Tuy nhiên, uy tín của ông bắt đầu giảm sút từ 2 năm qua trong bối cảnh công chúng phản ứng giận dữ về vấn đề chi phí sinh hoạt tăng cao, lãi suất tăng và tình trạng thiếu hụt nhà ở.

Nhưng nguồn cơn khiến ông Trudeau “bay ghế” đến từ việc đồng minh thân cận nhất của ông, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, bất ngờ từ chức ngày 16-12.

Trước đó vài tuần, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã dọa áp thuế 25% với Canada khi ông nhậm chức, nếu quốc gia láng giềng phía Bắc không siết chặt kiểm soát ma túy và dòng người di cư vượt biên trái phép vào Mỹ.

Động thái trên đã gây chia rẽ chính trường Canada. Bà Freeland rời nội các vì bất đồng với ông Trudeau về hướng đi tốt nhất cho Canada để ứng phó ông Trump. Căng thẳng gia tăng, với việc đảng Bảo thủ đối lập, thậm chí một số nghị sĩ đảng Tự do, kêu gọi Thủ tướng Trudeau rời ghế.

Mỹ và Canada đều là đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Khoảng 80% xuất khẩu của Canada là sang Mỹ, do đó chính sách thuế trên nếu triển khai sẽ là thảm họa với kinh tế nước này. Ông Trudeau đã lập tức điện đàm và còn đến Florida gặp Tổng thống đắc cử Mỹ.

“Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, chính quyền Trudeau tin rằng họ có thể bảo vệ lợi ích đất nước thông qua đàm phán từ vị thế đồng minh, không phải kẻ thù”, Cristine de Clercy, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Trent (Canada), nhận định. Bất chấp tình hình hai nước đã thay đổi, ông Trudeau dường như vẫn chọn cách tiếp cận này.

Chuyến công du đã bộc lộ sự rạn nứt âm ỉ giữa ông Trudeau và Phó Thủ tướng Freeland, khi bà không có mặt trong đoàn, dù phụ trách nhóm ứng phó chính quyền Trump. Bà Freeland mang quan điểm chỉ trích chính sách bảo hộ của ông Trump và bị Tổng thống đắc cử Mỹ công kích.

Bà cáo buộc ông Trudeau “muốn chơi chiêu bài chính trị tốn kém”, ám chỉ đề xuất miễn thuế bán hàng trong kỳ nghỉ lễ và hoàn một khoản thuế cho người lao động, dường như nhằm hút phiếu bầu, thay vì chi ngân sách cho an ninh biên giới để xoa dịu ông Trump.

Việc bà Freeland từ chức khiến ông Trudeau trở nên cô độc, khi những người quan trọng kề bên đã rời đi.

Trước khi đưa ra tuyên bố từ chức, Thủ tướng Trudeau đã gặp Toàn quyền Canada Mary Simon. Trong đó, ông đề nghị đình chỉ các phiên họp Quốc hội cho tới ngày 24-3 và đã được chấp thuận. Quốc hội Canada hiện đang trong kỳ nghỉ lễ và dự kiến sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 27-1 tới.

Việc đình chỉ họp Quốc hội có thể sẽ giúp đảng của ông Trudeau có thêm thời gian chuẩn bị người lãnh đạo kế nhiệm và không phải đối mặt với viễn cảnh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Thủ tướng Trudeau bảo vệ hành động của mình khi nói rằng đây là việc làm cần thiết để xóa bỏ tình trạng bế tắc về mặt lập pháp tại Hạ viện, đồng thời bày tỏ tin tưởng Chính phủ Canada sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khi Quốc hội nhóm họp trở lại.

Bầu cử trước thời hạn

Canada phải tổ chức cuộc bầu cử liên bang tiếp theo trước tháng 10-2025, nhưng khả năng cao sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu trước thời điểm đó.

Hiện dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận với khoảng cách hai con số, đảng Bảo thủ trong nhiều tháng qua đã tìm cách kích hoạt một cuộc bầu cử bằng cách đưa ra hàng loạt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện.

Ông Trudeau lãnh đạo một chính phủ thiểu số, phụ thuộc vào sự ủng hộ của các đảng đối lập để tiếp tục nắm quyền và thông qua luật. Chính phủ cần sự ủng hộ của đa số trong tổng số 338 nghị sĩ Quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Đảng Tự do thiếu 17 ghế để đạt đa số, nghĩa là họ cần sự tán thành từ các thành viên của các đảng khác tại Canada.

Cho đến gần đây, các thành viên của đảng Dân chủ mới (NDP) thiên tả đã cung cấp đủ số phiếu để ông Trudeau duy trì quyền kiểm soát. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Trudeau tuyên bố sẽ từ chức, lãnh NDP Jagmeet Singh nói rằng ông sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đảng Tự do, bất kể ai là lãnh đạo. Lãnh đạo Khối Quebecois, ông Yves-Francois Blanchet đề nghị nên tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn là muộn.

Sau khi thời gian tạm ngừng Quốc hội kết thúc, cuộc bỏ phiếu đầu tiên sẽ là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu chính phủ mất phiếu tín nhiệm, họ sẽ từ chức hoặc yêu cầu giải tán Quốc hội, dẫn đến một cuộc bầu cử liên bang.

Cuộc khảo sát do Viện Angus Reid tiến hành trong kỳ nghỉ lễ vừa rồi cho thấy đảng Tự do giành tỷ lệ ủng hộ thấp nhất kể từ khi viện thu thập dữ liệu năm 2014. Các cuộc thăm dò cho thấy nếu một cuộc bầu cử tại Canada diễn ra hôm nay, đảng Bảo thủ đối lập sẽ giành chiến thắng áp đảo.

Đảng Tự do tìm tân lãnh đạo

Quyết định từ chức của Thủ tướng Trudeau sẽ mở ra cuộc cạnh tranh giành vị trí lãnh đạo đảng Tự do. Nhiều khả năng nhóm nghị sĩ của đảng sẽ nỗ lực tìm một lãnh đạo mới trước khi thời gian tạm ngừng Quốc hội kết thúc, mặc dù hiện chưa rõ nhân vật đó sẽ được chọn như thế nào.

Ngày 6-1, ông Trudeau tuyên bố lãnh đạo mới sẽ được chọn thông qua một quy trình cạnh tranh trên toàn quốc. Hiện nay, đảng Tự do đang có một vài gương mặt được cho là những ứng viên sáng giá như cựu Phó Thủ tướng Christia Freeland, cựu Giám đốc Ngân hàng trung ương Mark Carney, cựu Thủ hiến British Columbia Christy Clark và một số bộ trưởng trong chính phủ hiện tại.

Người trở thành tân lãnh đạo đảng Tự do cũng sẽ được lựa chọn làm ứng cử viên của đảng này tham gia cuộc chạy đua với đối thủ chính là lãnh đạo đảng Bảo thủ Pierre Poilievre.

 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết