05/02/2023 - 16:52

Lý do Israel từ chối gửi vũ khí cho Ukraine 

HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine cách nay gần một năm, Mỹ và các đối tác đã cung cấp cho Kiev hàng chục tỉ USD vũ khí các loại. Tuy nhiên, bất chấp sức ép, đồng minh thân thiết của phương Tây là Israel đến nay vẫn từ chối viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Israel đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Ukraine về viện trợ tổ hợp Vòm sắt. Ảnh: AFP

Israel đã nhiều lần từ chối yêu cầu của Ukraine về viện trợ tổ hợp Vòm sắt. Ảnh: AFP

Tính đến tháng 2-2022, Israel là quốc gia nhận viện trợ nước ngoài của Mỹ nhiều nhất, chủ yếu dưới dạng hỗ trợ quân sự. Israel cũng tự hào sở hữu một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới, khi được trang bị máy bay không người lái (UAV), chiến đấu cơ hiện đại và thậm chí cả vũ khí hạt nhân mặc dù không công khai thừa nhận.

Vậy nên, Mỹ và các đồng minh đều hy vọng Israel sẽ hỗ trợ Ukraine khi xung đột nổ ra. Thế nhưng, từ những ngày đầu của cuộc chiến, Israel chỉ viện trợ nhân đạo, trang thiết bị cho lực lượng khẩn cấp ở Ukraine. Israel không gửi vũ khí sát thương trực tiếp cho Ukraine bất chấp những đề nghị từ Kiev và cũng trì hoãn lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin với chiến sự tại Ukraine.

Các chuyên gia Trung Đông giải thích rằng điều này là bởi Israel có mối quan hệ phức tạp với Nga và hợp tác với Mát-xcơ-va để thực hiện các chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng Syria. Đồng thời, Israel có thể cân bằng giữa những lợi ích của các cường quốc toàn cầu và việc nước này tránh xa xung đột.

Quan hệ phức tạp giữa Israel - Nga

 

Israel đổi ý?

Thủ tướng Israel Netanyahu ngày 31-1 nói với Kênh CNN rằng ông sẽ xem xét chuyển các khí tài quân sự cho Ukraine, bao gồm hệ thống phòng không Vòm sắt có khả năng đánh chặn 85% mục tiêu. Phía Nga cảnh báo hành động này sẽ làm leo thang xung đột.

 

Có nhiều nguyên nhân tạo nên sự rắc rối trong quan hệ Israel - Nga. Đầu tiên, tại Israel hiện có các cộng đồng lớn người Nga và Ukraine sinh sống, trong khi Nga và Ukraine cũng đang tiếp nhận nhiều người Do Thái. Ukraine là đối tác kinh tế quan trọng của Israel cả về lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Israel muốn giữ trạng thái trung lập trong cuộc xung đột hiện tại do lo ngại cho sự an toàn của cộng đồng Do Thái ở Nga.

Nhưng vấn đề chính khiến Israel lưỡng lự cung cấp vũ khí cho Ukraine nằm ở Syria và cuộc xung đột giữa Israel với kẻ thù trong khu vực là Iran. Nga hiện kiểm soát phần lớn không phận phía trên Syria và cho phép Israel tiến hành các chiến dịch nhắm vào các tài sản liên quan đến Iran cũng như các chuyến vận chuyển vũ khí cho những lực lượng ủy nhiệm, chẳng hạn như Hezbollah. 

Ngay cả khi Nga “bật đèn xanh” cho Israel kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Syria, Mát-xcơ-va và Tehran vẫn tăng cường quan hệ quân sự và tiếp sức trong cuộc chiến ở Ukraine. Cụ thể, Iran được cho là đã chuyển cho quân đội Nga các UAV tự sát tầm xa để sử dụng trên chiến trường. Một quan chức hàng đầu của Anh cuối năm ngoái tiết lộ Nga còn muốn nhận số lượng lớn tên lửa đạn đạo từ Iran và đổi lại là sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho Cộng hòa Hồi giáo ở mức “chưa từng có”.

Theo Jon Alterman, Giám đốc chương trình Trung Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), về lý thuyết, mối đe dọa từ cái bắt tay Nga - Iran sẽ là chất xúc tác để Israel viện trợ thêm cho Ukraine. Tuy nhiên, hành động này có nguy cơ đe dọa quyền tự do hành động mà Israel đang có tại Syria trong bối cảnh Israel xác định Hezbollah là hiểm họa rất lớn. Thế nên, mặc dù Nga và Iran thắt chặt quan hệ quân sự, Israel không nỗ lực gửi vũ khí sát thương để giúp Ukraine đánh bại lực lượng Nga.

“Trong quan hệ quốc tế đôi khi có những hành vi mâu thuẫn và nghịch lý”, Giáo sư Yossi Mekelberg tại Viện chính sách Chatham House (Anh) giải thích về trường hợp của Israel.

Chia sẻ bài viết