05/02/2019 - 15:25

Lực đẩy thành phố Cần Thơ tăng tốc
Bài 3: Động lực vươn cao 

Năm 2018 đánh dấu mốc quan trọng khi Chính phủ ban hành Nghị định 103/2018/NĐ-CP ngày 7-8-2018 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ (Nghị định 103). Đây là chính sách đột phá, đồng bộ, kịp thời, cơ hội lớn cho thành phố. Với nền tảng sẵn có, cộng thêm cơ chế đặc thù, tạo động lực cho kỳ vọng Cần Thơ “cất cánh”.

Niềm tin

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ. Đồng thời, tạo điều kiện để thành phố phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn, trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng ĐBSCL vào năm 2020, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng ĐBSCL. Nghị định 103 sẽ tạo nguồn lực và động lực mới để TP Cần Thơ phát triển nhanh và bền vững hơn. “Nghị định 103 được xem là sự “tiếp sức” kịp thời và hữu ích của Chính phủ cho sự phát triển TP Cần Thơ và sẽ là cú huých quan trọng trong thu hút đầu tư”- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống khẳng định.

Đại lộ Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh: MINH HUYỀN

TP Cần Thơ đã có được các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước làm tiền đề cho sự phát triển là điều kiện “cần”, Nghị định 103 là điều kiện “đủ” khi thể chế hóa, làm cơ sở để thành phố thực thi, đưa các chủ trương, chính sách vào thực tiễn. TP Cần Thơ đã đề ra Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 103. Trong đó có các công việc cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương. Bao gồm, giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị mặt bằng, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật về giao thông, hỗ trợ về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ và nhiều chính sách hỗ trợ khác. Cần Thơ ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm phù hợp điều kiện của thành phố với xu hướng đầu tư mới, mang tính khả thi cao như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, logistics, chế biến nông sản, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại.

Quyết tâm thực hiện

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 103, thành phố xác định các nhiệm vụ, nội dung cụ thể nhằm đảm bảo tính lâu dài trong việc thực hiện các cơ chế đặc thù để phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của thành phố trong việc thực hiện những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, xác định cụ thể trách nhiệm của các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan trong việc chủ trì, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 103. Các nội dung triển khai thực hiện, bao gồm: cơ chế huy động nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà đầu tư nước ngoài; đặc thù về ngân sách. Về hỗ trợ lãi suất, thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách thành phố. Và các nội dung về bán nhà ở xã hội; về quỹ dự trữ tài chính; thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư khu đô thị mới…

Ngoài ra, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 7-12-2018 quy định chính sách hỗ trợ đầu tư các dự án ngoài ngân sách nhà nước; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thu hút dự án đầu tư vào thành phố. Từ đó, tạo thêm một số thuận lợi, giúp thành phố có thêm nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo…

Lâu nay, “nút thắt” hạ tầng giao thông vẫn được xem là “điểm nghẽn” cho sự phát triển của TP Cần Thơ. Với những cơ chế đặc thù từ Nghị định 103 kỳ vọng tháo gỡ nút thắt này. Ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ, chia sẻ: Nghị định 103 ban hành kèm theo Danh mục dự án ưu tiên đầu tư thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, có nhiều dự án giao thông mang tính đột phá cho Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL, như: Đường cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc; tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ; đường Vành đai sân bay Cần Thơ kết nối đường Lê Hồng Phong đến quốc lộ 91B; Nâng cấp mở rộng, xây dựng đường tỉnh 923; đường tỉnh 922 (Xây dựng và nâng cấp giai đoạn 1 từ quốc lộ 91B đến Cờ Đỏ)… Các dự án này được ưu tiên bố trí vốn xây dựng sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL.

Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, để Cần Thơ có được bước tiến tích cực về môi trường đầu tư như hôm nay, một phần rất lớn xuất phát từ “cú huých niềm tin” của một Chính phủ kiến tạo và hành động. Với sự quan tâm từ Chính phủ, cùng lợi thế địa phương, doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của TP Cần Thơ.

***

Cần Thơ đã mong chờ về cơ chế đặc thù cho thành phố trong nhiều năm từ khi Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 2 năm 2005 được ban hành để làm “lực đẩy” phát triển thành phố tương xứng với tiềm năng vốn có. Khi có cơ chế đặc thù, có nguồn lực về tài chính, TP Cần Thơ sẽ có những bước đi đột phá, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và bền vững kinh tế - xã hội của  Cần Thơ nói riêng và cả vùng ĐBSCL, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước...

Tại Nghị định 103, Chính phủ xác định ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương cho ngân sách thành phố để tham gia thực hiện các dự án mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Về thẩm quyền, Chính phủ ủy quyền cho UBND TP Cần Thơ quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô từ 100ha đến dưới 200ha. Thành phố được bán nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn. Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố đến 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao…

Nam Hương - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết