05/02/2019 - 09:27

Lực đẩy thành phố Cần Thơ tăng tốc 

Xây dựng Cần Thơ với mục tiêu trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh, hiện đại và là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ... của vùng. Từ định hướng đó, sau 15 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Với chính quyền năng động, nhà đầu tư nhiệt thành, cùng đó, Nghị định 103/2018/NĐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ, là những lực đẩy mạnh mẽ cho TP Cần Thơ tăng tốc...

 

Bài 1: Năng động, đổi mới

TP Cần Thơ xác định cải cách hành chính (CCHC) là khâu đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đã có nhiều giải pháp được triển khai, thành phố nỗ lực nâng cao chất lượng CCHC, xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch và đề án cụ thể, khả thi... trong việc hỗ trợ nhà đầu tư. Bây giờ, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã xem Cần Thơ là điểm đến lý tưởng để phát triển tương lai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chào đón nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP Cần Thơ năm 2018. Ảnh: N.H

Chính quyền thân thiện

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống chỉ đạo: Mỗi tuần vào sáng thứ 2, các giám đốc sở, ngành không họp ủy ban để dành thời gian này tiếp xúc với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong lịch làm việc của UBND TP Cần Thơ mỗi tháng đều có một lần gặp gỡ doanh nghiệp. Thêm vào đó, thành phố thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp qua số 0888773666. Một cách làm mang đậm nhân văn của lãnh đạo thành phố được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận...

Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát thực hiện công tác CCHC thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành; lãnh đạo các ngành, các cấp quyết tâm triển khai thực hiện công tác CCHC tại đơn vị, địa phương. Đến nay, hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4, tất cả 100% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp nộp qua mạng; gần 100% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử… Thành phố cũng đã triển khai cung cấp dịch vụ tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích cho tất cả 19 sở, ban, ngành và quận, huyện. Đồng thời, thành phố luôn tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

 Trong những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chỉ thị, các chương trình hành động nhằm hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp. Trong đó tập trung thực hiện nội dung như: tiếp tục đẩy mạnh CCHC, triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành công vụ. Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ứng dụng công nghệ thông tin vào bộ phận tiếp nhận và trả kết quả “một cửa hiện đại”.

Lãnh đạo thành phố tại buổi tiếp nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư. Ảnh: N.H

Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ nhấn mạnh: TP Cần Thơ đang hướng tới các dự án đầu tư phát huy lợi thế của thành phố; ưu tiên thu hút nhà đầu tư có năng lực thật sự, thúc đẩy nhiều ngành lĩnh vực cùng phát triển, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội. Để thu hút mạnh đầu tư, thành phố quyết liệt triển khai thực hiện một số chính sách mang tính then chốt như: thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, “một cửa hiện đại” tại các cơ quan hành chính nhà nước. Các nhà đầu tư khi đến Cần Thơ, trong quá trình từ tư vấn ban đầu đến giải quyết các thủ tục hành chính chỉ thông qua một đầu mối duy nhất là bộ phận “một cửa liên thông” đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2 ngày (làm việc), thậm chí có những hồ sơ được cấp phép ngay trong ngày. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng hỗ trợ tích cực để rút ngắn thời gian cấp phép cho doanh nghiệp. Khi dự án bắt đầu triển khai thành phố tiếp tục hỗ trợ về công tác giải phóng mặt bằng, rà soát về các quy hoạch cũng như các thủ tục về dịch vụ kèm theo nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp để dự án đi vào triển khai nhanh và đạt kết quả tốt nhất.

Lợi thế được phát huy

Lợi thế nổi trội của TP Cần Thơ thuộc về vị trí địa lý và chiến lược phát triển. Trong những năm qua, thành phố tập trung phát triển các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông; nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ chế biến nông, thủy sản; du lịch và hạ tầng phục vụ du lịch; các ngành công nghiệp phụ trợ... khẳng định vai trò đầu tàu quan trọng cả về kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng... tạo động lực phát triển của vùng ĐBSCL.

Dự án Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP) đặt tại TP Cần Thơ (khánh thành ngày 14-11-2015) là một minh chứng điển hình hỗ trợ các doanh nghiệp ươm mầm, phát triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất các lĩnh vực chế biến nông thủy sản, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sạch, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin - truyền thông, hóa chất và các sản phẩm hóa sinh… theo hướng nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm công nghiệp ở TP Cần Thơ và ĐBSCL..  KVIP nằm trong Bản kế hoạch khung về hợp tác công nghệ công nghiệp Hàn Quốc - Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 400 tỉ đồng do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ 70%, còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu cơ bản hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020, TP Cần Thơ còn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo Sở Lao động-Thương binh  và Xã hội TP Cần Thơ, hiện có 84 đơn vị hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm cấp cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục dạy nghề, đào tạo sơ cấp, đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng).

Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) nhận định: TP Cần Thơ đang là một trong những địa phương được nhiều doanh nghiệp đánh giá là phát triển ổn định. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã thăng hạng rất tốt mặc dù không có sự thay đổi lớn nhưng rất ổn định. Đây là điều rất quan trọng đối với nhà đầu tư, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố an tâm sản xuất. Những năm trở lại đây, môi trường đầu tư của TP Cần Thơ đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt 2017 chỉ số PCI của thành phố xếp thứ 10 tăng 1 bậc so với 2016 và tăng 4 bậc so với năm 2015, đứng thứ 3 trong các tỉnh ĐBSCL, xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt.

Nam Hương - Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết