20/07/2009 - 08:40

Lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Honduras ?

Biểu tình ủng hộ ông Zelaya tại Thủ đô Tegucigalpa ngày 18-7.
Ảnh: Reuters

Tổng thống bị phế truất của Honduras Manuel Zelaya cuối tuần rồi đã chấp nhận đề xuất của Tổng thống Costa Rica Oscar Arias, nhà trung gian hòa giải, về việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc do ông đứng đầu với sự tham gia của tất cả các đảng phái chính trị. Nhưng ông Zelaya cũng đặt điều kiện là trong thành phần nội các không có các nhân vật dính líu tới cuộc đảo chính ngày 28-6. Kế hoạch 7 điểm được ông Arias đưa ra tại vòng đàm phán thứ hai diễn ra ở Costa Rica từ ngày 18-7 còn có việc tổ chức bầu cử sớm vào cuối tháng 10 năm nay (thay vì tháng 11), ân xá cho tất cả những người phạm tội chính trị trước và sau khi xảy ra cuộc đảo chính, và ông Zelaya cam kết không tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp... Chính kế hoạch trưng cầu dân ý nhằm mở đường cho việc ra tranh cử thêm một (hoặc nhiều) nhiệm kỳ nữa đã dẫn tới vụ lật đổ ông Zelaya.

Tuy nhiên, chính phủ lâm thời Honduras đã lập tức bác bỏ khả năng phục chức cho ông Zelaya. “Đề xuất thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc là không thể chấp nhận”, Thứ trưởng Ngoại giao Martha Alvarado khẳng định với hãng tin Anh Reuters hôm 18-7. Trước đó, Tổng thống lâm thời (nguyên là chủ tịch Quốc hội) Roberto Micheletti cũng tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu điều này giúp giải quyết cuộc khủng hoảng, nhưng với điều kiện ông Zelaya không được trở lại nắm quyền.

Do đàm phán không có tiến triển, Tổng thống bị phế truất Zelaya, hiện đang sống lưu vong tại nước láng giềng Nicaragua, tuyên bố sẽ về nước “trong những ngày tới” để thành lập một chính phủ hoạt động song song với chính phủ lâm thời, bất chấp khả năng bị bắt giữ theo lệnh của Tòa án Tối cao Honduras. Ngày 5-7, ông Zelaya từng nỗ lực trở về Honduras nhưng do sự cản trở của quân đội, máy bay chở ông không thể hạ cánh xuống phi trường ở Thủ đô Tegucigalpa. Giữa tuần rồi, ông Zelaya đã kêu gọi một “cuộc nổi dậy quần chúng” tại Honduras để ông có thể trở lại nắm quyền. Ông yêu cầu những người ủng hộ tiến hành các cuộc bãi công, biểu tình, chiếm giữ và bất tuân thủ dân sự vì những hành động đó là cần thiết “khi trình tự dân chủ tại một quốc gia bị phá vỡ”. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Zelaya, nhiều cuộc biểu tình qui mô lớn đã diễn ra, và đã có đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh và những người ủng hộ chính phủ lâm thời.

Quân đội Honduras hiện được đặt trong tình trạng cảnh giới cao nhất để đề phòng khả năng xảy ra bạo động. Ngày 15-7, chính phủ đã tái áp đặt lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến sáng. An ninh cũng được thắt chặt tại quê nhà của ông Zelaya ở Olancho, nơi có nhiều người ủng hộ túc trực để chờ đón sự trở về của chính khách theo đường lối cánh tả này.

Xem ra, cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất ở Trung Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh có lẽ vẫn chưa tới hồi kết, khi mà quan điểm của các bên liên quan còn quá khác nhau.

LÊ DÂN (Theo AP, Reuters)

Biểu tình ủng hộ ông Zelaya tại Thủ đô Tegucigalpa ngày 18-7. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết