09/10/2019 - 14:56

Liên Hiệp Quốc sắp cạn tiền 

Tổng Thư ký Antonio Guterres (ảnh) cảnh báo Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang thâm hụt ngân sách 230 triệu USD và có thể cạn tiền dự phòng vào cuối tháng 10 này.

Ảnh: AFP

Ảnh: AFP

Trong thư gửi 37.000 nhân viên tại Ban Thư ký LHQ, ông Guterres cho rằng “các biện pháp bổ sung” phải được thực hiện để đảm bảo việc trả lương và các quyền lợi. “Các quốc gia thành viên chỉ mới đóng góp 70% tổng số tiền cần thiết cho các hoạt động ngân sách thường xuyên của chúng ta trong năm 2019. Điều này gây ra sự thiếu hụt 230 triệu USD tiền mặt hồi cuối tháng 9 vừa rồi”- Tổng Thư ký Guterres viết. Để cắt giảm chi phí, vị này đề cập đến việc hoãn hội họp cũng như giảm bớt các dịch vụ, chỉ công cán nếu đó là hoạt động thiết yếu và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Không tính khoản chi cho hoạt động gìn giữ hòa bình, ngân sách hoạt động của LHQ năm 2018-2019 là gần 5,4 tỉ USD, trong đó Mỹ đóng góp 22%. LHQ được tài trợ theo hai hình thức, thanh toán bắt buộc và đóng góp tự nguyện. Mỗi quốc gia trong tổ chức 193 thành viên này bắt buộc phải góp một phần vào ngân sách hoạt động thường xuyên và ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ. Những khoản đóng góp cụ thể được quyết định thông qua một thể thức phức tạp, trong đó Mỹ thanh toán 28% ngân sách gìn giữ hòa bình. Ví dụ hồi năm 2016, tổng kinh phí của LHQ là gần 50 tỉ USD, trong đó xứ cờ hoa hỗ trợ khoảng 10 tỉ USD và là nhà tài trợ lớn nhất. Xếp sau Mỹ lần lượt là Anh, Nhật Bản, Đức, Liên minh châu Âu, Canada, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc…

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, Trung Quốc vượt qua Nhật để trở thành quốc gia đóng góp nhiều thứ hai cho LHQ. Mức hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh tăng từ 7,92% trong giai đoạn 2016-2018 lên 12,01% trong 3 năm tiếp theo. Ngược lại, đóng góp của Tokyo giảm từ 9,68% xuống còn 8,56%. Riêng về những quốc gia đóng góp nhiều nhất cho ngân sách gìn giữ hòa bình của LHQ trong giai đoạn 2019-2021, Trung Quốc tiếp tục giữ vị trí thứ hai với mức đóng góp tăng từ 10,24% lên 15,22%.

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chê LHQ là “tổ chức tốn kém và phiền toái”, Trung Quốc xem cơ quan quốc tế này là công cụ quan trọng để họ mở rộng vai trò chiến lược và kinh tế trên toàn cầu, đặc biệt ở những nước đang phát triển vốn phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ của LHQ. Điều này cũng giúp lý giải tại sao Bắc Kinh đã vươn lên thành nước đóng góp nhiều thứ hai cho ngân sách LHQ, tăng đáng kể so với chỉ 1% cách đây 20 năm. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đóng góp 2.534 nhân viên cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, nhiều hơn số nhân viên của 4 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an còn lại (Mỹ, Pháp, Anh và Nga) cộng lại.

Khó khăn chồng chất

Thật ra, LHQ bắt đầu cảm nhận khó khăn về tài chính từ tháng 12 năm ngoái. Khi đó, các quốc gia thành viên đã không đạt được thỏa thuận bù đắp khoản 220 triệu USD ngân sách thiếu hụt sau khi Mỹ cắt giảm đóng góp cho chiến dịch gìn giữ hòa bình.

Như đề cập ở trên, Mỹ tài trợ khoảng 28% ngân sách cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ, song hồi tháng 9-2018, với lý do gánh chi phí không công bằng, Tổng thống Trump đã tuyên bố Washington sẽ giảm con số này xuống còn tối đa 25%. 3% thiếu hụt tương đương khoảng 220 triệu USD. Ngân sách dành cho hoạt động gìn giữ hòa bình giai đoạn 2018-2019 ở mức hơn 6,6 tỉ USD, giảm khoảng 600 triệu USD so với năm trước đó do sức ép từ Mỹ.

Chuyện thỏa thuận bù đắp chưa xong thì sang đầu năm nay, Tổng Thư ký Guterres lại phải nhắc nhở các quốc gia thành viên còn nợ quỹ gìn giữ hòa bình của tổ chức này gần 2 tỉ USD, trong đó Mỹ chiếm hơn 1/3.

THANH BÌNH (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết