02/07/2022 - 10:26

Liên Hiệp Quốc lo ngại về nội chiến Congo 

Trong cảnh báo đáng lo ngại, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) cho biết phiến quân M23 đang vận hành như một đội quân chính quy, đe dọa hoạt động của Phái bộ LHQ ở nước này (MONUSCO).

Các tay súng nổi dậy M23. Ảnh: Getty Images

Các tay súng nổi dậy M23. Ảnh: Getty Images

Phiến quân M23 vốn là quân đội người Tutsi, sáp nhập vào quân đội DRC từ năm 2009 nhưng 3 năm sau lại tách ra do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt. Chính phủ DRC và lực lượng này sau đó đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình song đều lâm vào bế tắc. Để phản đối chính phủ, các thành viên M23 thường xuyên tiến hành các vụ tàn sát dân thường, cưỡng bức phụ nữ và lôi kéo trẻ em gia nhập lực lượng. Các cuộc tấn công của M23 không chỉ diễn ra trong lãnh thổ DRC mà còn kéo theo sự tham gia của nhiều nhóm phiến quân ở Rwanda, Uganda và Burundi, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo trong khu vực.

Giai đoạn 2012-2013, M23 bị đánh bật khỏi DRC sau khi phát động cuộc nổi loạn. Các nhà điều tra LHQ sau đó cáo buộc Rwanda và Uganda hỗ trợ M23, nhưng Kigali và Kampala đều bác bỏ cáo buộc trên. Thời gian gần đây, phiến quân M23 thường xuyên từ Rwanda và Uganda quay trở lại và thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các vị trí quân sự gần biên giới DRC với 2 nước láng giềng. Đặc biệt từ tháng 5, các tay súng tiến vào miền Đông và có nhiều đợt giao tranh ác liệt với quân đội chính phủ. Trong tháng 6, M23 chiếm được một thị trấn thương mại quan trọng ở biên giới, đánh dấu hành động táo bạo của nhóm kể từ khi quân đội DRC và LHQ triển khai chiến dịch truy đuổi phiến quân vào cuối năm 2013.

Tình hình trở nên đáng lo ngại khi đặc phái viên LHQ Bintou Keita dựa trên các cuộc xung đột gần đây cảnh báo M23 ngày càng hoạt động như một quân đội thực thụ, chứ không như một nhóm vũ trang. Trong đó, các tay súng sở hữu vũ khí và trang thiết bị ngày càng tinh vi, bao gồm hỏa lực chống máy bay với độ chính xác cao. “Đây là mối đe dọa không chỉ với dân thường mà còn lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ” - quan chức này kết luận. Nếu M23 tiếp tục tiến hành “các đợt tấn công phối hợp nhịp nhàng” chống lại quân đội DRC và lực lượng MONUSCO, bà Keita cảnh báo sứ mệnh bảo vệ dân thường có thể đối mặt với mối đe dọa vượt quá khả năng cho phép.

Ngoài M23, đặc phái viên LHQ cho biết miền Đông DRC cũng đang chống lại các nhóm vũ trang khác giành tài nguyên khoáng sản phong phú ở khu vực. Theo đó, các nhóm này lợi dụng khoảng trống an ninh khi quân đội chính phủ và MONUSCO dồn sức đối phó M23 để tiến hành nhiều đợt tấn công ở các tỉnh Bắc Kivu và Ituri từ khoảng cuối tháng 5 đến giữa tháng 6, khiến hơn 150 dân thường thiệt mạng.

Trong bối cảnh này, đặc phái viên LHQ cho biết bà ủng hộ cam kết của Chính phủ DRC về đàm phán hòa bình và kêu gọi các nhóm vũ trang hạ vũ khí, tham gia chương trình giải trừ quân bị quốc gia. Bên cạnh đó, bà Keita giục Hội đồng Bảo an LHQ hỗ trợ các nỗ lực trong khu vực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa DRC và Rwanda, tránh nguy cơ bùng phát xung đột giữa 2 nước láng giềng. Theo bà, Kinshasa và Kigali nên nắm bắt cơ hội để giải quyết những khác biệt của họ tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới do Tổng thống Angola Joao Lourenco chủ trì ở thủ đô Luanda.

Rwanda và DRC bất hòa trong nhiều thập kỷ sau những cáo buộc đối phương ủng hộ các nhóm vũ trang khác nhau. Gần đây, căng thẳng leo thang nhanh khi hai bên “khẩu chiến” về các đợt giao tranh ở biên giới chung. Đặc biệt khi M23 chiếm thị trấn biên giới Bunagana, quân đội DRC cho rằng diễn biến này “không khác gì một cuộc xâm lược” từ Rwanda. Ngược lại, Rwanda lên án MONUSCO “thành kiến” ​​với Kigali trong khi “ủng hộ” Kinshasa trong các đợt pháo kích nhắm vào lãnh thổ nước này.

MAI QUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết