07/06/2008 - 11:54

Lãnh đạo không lực Mỹ bị sa thải

Bộ trưởng Không quân Mỹ Michael Wynne (trái) và Tham mưu trưởng Michael Moseley họp báo về việc từ chức. Ảnh: AP

Ngày 5-6, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã yêu cầu 2 quan chức cao cấp nhất của Không lực Mỹ từ chức vì những sai phạm liên quan tới nhiệm vụ rất nhạy cảm là đảm bảo an toàn và an ninh vũ khí hạt nhân. Bộ trưởng Không quân Michael Wynne và tướng Michael Moseley, Tham mưu trưởng, lập tức đệ đơn từ chức ngay trong ngày. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Lầu Năm Góc, hai quan chức dân sự và quân sự cao cấp nhất của một binh chủng bị sa thải cùng lúc.

Trong cuộc họp báo sau đó, Bộ trưởng Gates cho biết quyết định của ông dựa trên kết luận của nhóm điều tra, do Đô đốc Kirkland Donald đứng đầu, về việc Mỹ chuyển nhầm 4 ngòi nổ điện tử của đầu đạn hạt nhân đến Đài Loan. Vụ việc xảy ra năm 2006 nhưng mãi đến hơn 1 năm rưỡi sau các quan chức Mỹ mới phát hiện, nhờ một thông báo từ chính quyền Đài Loan. Vụ việc nghiêm trọng thứ hai là máy bay ném bom B52 mang theo 6 tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân bay xuyên nước Mỹ (lẽ ra phải tháo rời trước khi vận chuyển) hồi tháng 8 năm ngoái. “Sự cố” này làm 3 đại tá, 1 trung tá và 66 sĩ quan khác bị kỷ luật. Bộ trưởng Gates cho biết ông đã chấp nhận đơn từ chức của 2 lãnh đạo Không lực Mỹ và sẽ sớm giới thiệu người thay thế lên Tổng thống George Bush.

Báo cáo của Đô đốc Donald cho rằng các tiêu chuẩn về an toàn và an ninh hạt nhân của Không lực Mỹ đã bị xem nhẹ từ lâu. Vấn đề từng được nhận diện nhưng không được chấn chỉnh trong hơn một thập niên qua. Để giải quyết vấn đề này, ông Gates cho biết đã đề nghị cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger dẫn đầu một nhóm đặc nhiệm nghiên cứu đổi mới chính sách và tổ chức nhằm nâng cao khả năng kiểm soát kho vũ khí hạt nhân.

Washington luôn tự hào về quy trình kiểm soát vũ khí hạt nhân nghiêm ngặt của mình. Khi làm việc với vũ khí hạt nhân, tất cả những người làm việc liên quan phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an ninh khắt khe và phải được thẩm tra, xác minh về mức độ trung thành. Họ làm việc ở những khu vực bị hạn chế, bị giám sát và luôn luôn bị kiểm soát. Chỉ những quân nhân đặc biệt trong các quy trình vận chuyển và tháo lắp mới được tiếp cận đầu đạn hạt nhân. Tất cả nhân viên vận chuyển đều phải điền vào một mẫu theo dõi và họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về lộ trình của số vũ khí đó. Kể cả những sĩ quan ra lệnh vận chuyển vũ khí hạt nhân, đặc biệt là chỉ huy các căn cứ quân sự, cũng phải điền vào các mẫu theo dõi nói trên. Theo quy trình thông thường, đầu đạn hạt nhân phải được tách khỏi tên lửa, đưa vào thùng chuyên dụng và chuyển bằng máy bay quân sự.

Trước nay, các quan chức Nhà Trắng cũng thường phàn nàn việc bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga và Pakistan vì lo sợ chúng có thể rơi vào tay khủng bố. Sau vụ 11-9-2001, Mỹ giúp Pakistan bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của nước này với chi phí lên tới 100 triệu USD. Trong khi đó, các quan chức quốc phòng Mỹ lại để “con voi chui qua lỗ kim” ngay bên trong hệ thống đảm bảo an ninh hạt nhân của họ.

N.MINH (Theo NYT, AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết