04/09/2011 - 09:31

Làng "ế vợ" ở Trung Quốc

 Duan không hy vọng sẽ tìm được người song hành trong quãng đời còn lại.

Nằm trên đỉnh một ngọn núi ở tỉnh Hồ Nam, làng Banzhushan với 300 dân nhưng có tới mấy chục đàn ông đã “quá lứa lỡ thì” mà không tìm được người “nâng khăn sửa túi”. Khi được hỏi muốn tìm người vợ như thế nào, Duan Biansheng, một nông dân 35 tuổi, tỏ ra bối rối. “Tôi không có bất cứ yêu cầu gì. Chỉ cần có một người vợ là tôi thỏa mãn lắm rồi”- anh nói. Tuy nhiên, Duan thừa nhận là cơ hội tìm được vợ của mình “gần như bằng 0”. Trong làng Banzhushan không có phụ nữ nào ở tuổi hôn nhân mà còn độc thân. Anh cả của Duan đã phải sang làng khác tìm vợ và ở luôn bên đó. Người anh kế năm nay 40 tuổi ra thành phố làm thuê nhưng vẫn chưa có vợ. Riêng Duan thì phải ở nhà để tiện việc chăm sóc cha mẹ già.

Tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” cùng với kỹ thuật xét nghiệm giới tính thai nhi đã dẫn tới sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng ở quốc gia đông dân nhất hành tinh. Trên thế giới, tỷ lệ nam/nữ trung bình là 106/100, trong khi tại Trung Quốc là 118/100. Theo giáo sư Li Shuzhou ở Viện nghiên cứu dân số và phát triển thuộc Đại học Giao thông Tây An, trong vòng 2 thập niên tới sẽ có từ 30-50 triệu đàn ông Trung Quốc không tìm được vợ. Các chuyên gia cảnh báo việc có quá nhiều đàn ông “phòng không” như vậy sẽ dẫn tới bất ổn xã hội, cụ thể là tội phạm và các vụ tấn công tình dục gia tăng. Dân làng Banzhushan cho biết đã có một số vụ bắt cóc phụ nữ để bán làm vợ.

Ngoài sự khan hiếm phụ nữ thì tình trạng nghèo khó cũng khiến đàn ông ở Banzhushan khó kiếm vợ. Một phụ nữ 54 tuổi tên Jin Shixiu đang cầu mong hai con trai của mình có được vợ để bà có cháu ẵm bồng. Bà cho biết một số thanh niên trong làng ra ngoài tìm được bạn gái, nhưng khi biết gia cảnh nghèo khó của các chàng trai, họ rút lui. Vì thế, bà khuyên các con tới Thâm Quyến tìm việc để có tiền và có vợ, nhưng con trai lớn của bà năm nay đã 32 tuổi mà vẫn còn độc thân. Jin Yisong, bí thư chi bộ làng Banzhushan, thừa nhận do trình độ hạn chế nên khi ra thành phố tìm việc, thu nhập của họ rất thấp, do đó cơ hội lấy được vợ là khá mong manh.

Bên cạnh đó, ngay cả các cô gái ở Banzhushan cũng không muốn lấy đàn ông cùng làng. Họ ra ngoài làm ăn với hy vọng kiếm được tấm chồng khá giả. “Có nhiều cô gái trong làng và chúng tôi lớn lên cùng nhau, nhưng họ biết cuộc sống tốt đẹp hơn ở bên ngoài nên họ ra đi”- Duan ngậm ngùi.

Duan tỏ ra lo lắng khi về già sẽ không có ai chăm sóc. Còn bây giờ anh chịu áp lực từ gia đình và láng giềng đòi phải tìm được vợ, thậm chí có những lời bàn ra tán vào sau lưng. Tuy nhiên, Duan cũng tự an ủi rằng trong ngôi làng nghèo khó nhưng đẹp như tranh này còn có hàng chục đàn ông khác cùng cảnh ngộ.

QUỐC KHÁNH (Theo Guardian)

Chia sẻ bài viết