18/09/2012 - 22:05

Làn sóng biểu tình bạo lực chống Mỹ lan rộng

Những người biểu tình phản đối Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: Reuters

"Cơn bão" chống Mỹ sau đoạn phim bị cho là phỉ báng đấng tiên tri Mohammed của người Hồi giáo ngày 18-9 tiếp tục lan rộng không chỉ tại khu vực Trung Đông mà cả một số quốc gia châu Á có đông người Hồi giáo sinh sống.

Từ hôm 17-9, những người biểu tình tại nhiều thành phố lớn ở châu Á đã đụng độ với lực lượng cảnh sát tại đây và trút cơn giận dữ lên Mỹ theo sau đoạn phim mà họ cho là không khác nào "đòn tấn công" vào thế giới người Hồi giáo.

Theo hãng tin Anh Reuters, tại thành phố thương mại Karachi của Pakistan, những người biểu tình trên những chiếc xe máy và xe hơi hướng thẳng vào Lãnh sự quán Mỹ tại đây đã buộc cảnh sát phải bắn chỉ thiên và hơi cay để giải tán đám đông. Riêng tại thành phố phía Đông Lahore, những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát và đốt cờ Mỹ. Vụ đụng độ đã khiến 6 cảnh sát và một vài người biểu tình bị thương.

Trong khi đó, cũng với phản ứng đốt cờ Mỹ, những người quá khích ở Afghanistan và Indonesia còn hô vang: "Nước Mỹ hãy chết đi".

Cảnh sát Indonesia đã bắn hơi cay và dùng vòi rồng để giải tán hàng trăm người biểu tình tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Jakarta, thủ đô của quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới.

Tại Kabul, những người biểu tình đã phóng hỏa những chiếc xe hơi, các cửa hiệu, cũng như ném đá vào lực lượng cảnh sát. Họ cũng đốt cả cờ của Israel, quốc gia thường bị hứng chịu những chỉ trích từ những người Hồi giáo và A-rập vì các vấn đề của nước này và Palestine. Gần sân bay Kabul sáng 18-9, một cuộc tấn công tự sát nhằm vào xe buýt loại nhỏ làm 12 người chết, trong đó có 9 người nước ngoài, mà nhóm Hồi giáo cực đoan Hezb-e-Islami tuyên bố là để trả đũa bộ phim nói trên.

Tình hình ở Liban cũng tương tự khi hàng ngàn người biểu tình tập trung diễu hành tại Thủ đô Beirut, nơi thủ lĩnh của tổ chức Hồi giáo Hezbollah đã lên tiếng cáo buộc các cơ quan gián điệp Mỹ đứng đằng sau vụ việc gây ra làn sóng chống Mỹ và phương Tây dữ dội tại thế giới A-rập và Hồi giáo trong những ngày qua.

Không dừng lại ở đó, làn sóng biểu tình phản đối Mỹ còn lan sang Azerbaijan, nhưng với mức độ nhẹ hơn. Cảnh sát nước này cho biết họ đã bắt giữ 15 người đã cố tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Thủ đô Baku.

Reuters cho biết có ít nhất 17 người thiệt mạng trong làn sóng biểu tình bạo lực chống Mỹ tính đến chiều 18-9. Con số này hôm 17-9 là 19 người.

Tuy nhiên, các vụ tấn công nhắm vào các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở Trung Đông đã trở thành ngòi nổ cho các cuộc tranh luận quyết liệt ngay bên trong nước Mỹ khi các nghị sĩ kêu gọi Nhà Trắng ngưng viện trợ tài chính cho một số quốc gia ở khu vực này. Phản ứng trước yêu cầu trên, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Hillary Clinton vào tuần tới sẽ có các cuộc vận động hành lang đối với các nhà lập pháp Mỹ nhằm thuyết phục họ về việc cần duy trì khoản viện trợ hàng tỉ USD cho Ai Cập và các quốc gia khác, vốn là tâm bão của cơn phẫn nộ từ người Hồi giáo chống Mỹ.

Theo phát ngôn viên Victoria Nuland, bà Clinton sẽ sẵn sàng trả lời những câu hỏi của các nhà lập pháp, cả về các vụ tấn công vào cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Trung Đông cũng như tương lai của chính sách Mỹ tại khu vực có nguy cơ rơi vào khủng hoảng này. Bà Clinton sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự hỗ trợ của Mỹ, bao gồm 1,3 tỉ USD cho quân đội Ai Cập, đồng thời còn đề xuất xóa 1 tỉ USD nợ cho Cairo cũng như tăng thêm 800 triệu USD hỗ trợ kinh tế cho các quốc gia khác tại khu vực này.

THANH BÌNH (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết