16/03/2019 - 17:56

Làm việc cuối tuần tăng nguy cơ trầm cảm 

Theo nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Dịch tễ học & Sức khỏe Cộng đồng, làm việc vào cuối tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ở cả nam lẫn nữ.

Ảnh: Akerolabs

Ảnh: Akerolabs

Để đi đến kết luận trên, các chuyên gia tại Đại học Luân Đôn (Anh) đã xem xét dữ liệu từ 11.215 nam giới và 12.188 phụ nữ đang làm việc tại xứ sương mù trong giai đoạn 2010-2012. Khoảng 50% lao động nữ làm việc ít hơn 35 tiếng/tuần, trong khi đa số lao động nam làm việc lâu hơn mức này. Tương tự, chỉ 50% lao động nữ thỉnh thoảng làm việc cuối tuần, so với 2/3 lao động nam làm việc cả thứ bảy lẫn chủ nhật.

Khi so sánh với những người làm việc theo “tiêu chuẩn” từ 35-40 tiếng/tuần, nhóm nghiên cứu nhận thấy những nam giới làm việc ít hơn thời lượng này có nhiều triệu chứng của bệnh trầm cảm (như dễ nổi nóng, mệt mỏi và hay buồn bã) hơn. Nhưng họ cũng có nhiều triệu chứng trầm cảm hơn khi làm việc vào cuối tuần. Trong khi đó, nữ giới có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn chỉ khi họ làm việc ít nhất 55 tiếng/tuần. Và so với những phụ nữ chỉ làm việc vào các ngày trong tuần, những chị em làm việc vào cuối tuần có nhiều biểu hiện trầm cảm hơn.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Gillian Weston, phát hiện trên cho thấy những khác biệt về giới tính trong mối liên hệ giữa thời gian làm việc với các triệu chứng trầm cảm. Kết quả nghiên cứu cũng khuyến nghị nhà tuyển dụng nên nhận thấy rằng những ca làm việc vào cuối tuần và kéo dài có thể tổn hại tới sức khỏe tâm thần của nhân viên. Sabir Giga, một nhà nghiên cứu khác ở Đại học Lancaster (Anh), cho biết làm việc kéo dài có ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần vì nhiều lý do - bao gồm lấy đi thời gian tham gia hoạt động xã hội, dành cho cuộc sống cá nhân và nghỉ ngơi.

m Cũng liên quan đến vấn đề sức khỏe tâm thần, các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Singapore vừa phát hiện tiêu thụ hơn 2 phần nấm tiêu chuẩn (tương đương với 300gr hoặc nửa dĩa nấm)/tuần có thể giúp người cao tuổi giảm 50% nguy cơ mắc chứng suy giảm nhận thức nhẹ (MCI).

Trước đó, các chuyên gia đã quan sát sức khỏe của 600 người từ 60 tuổi trở lên và việc tiêu thụ 6 loại nấm phổ biến ở Singapore. 

Theo thành viên nhóm nghiên cứu -Tiến sĩ Irwin Cheah, lợi ích giảm nguy cơ mắc MCI từ nấm có thể là nhờ sự hiện diện của ergothioneine, một hợp chất đặc trưng có trong đa số loại nấm. “Ergothioneine là chất chống ôxy hóa và kháng viêm độc đáo con người không thể tự tổng hợp. Nhưng nó có thể thu được từ các nguồn ăn uống, mà một trong những nguồn chủ yếu là nấm”- Cheah cho biết.

Được biết, người cao tuổi mắc MCI thường có các triệu chứng khó nhận thấy của chứng mất trí nhớ, cũng như giảm các chức năng nhận thức khác như ngôn ngữ, chú ý và khả năng cảm nhận về không gian.

 AN NHIÊN (Theo Reuters, Business Insider)

Chia sẻ bài viết