07/07/2019 - 07:32

Lạc lõng thượng đỉnh Tây Balkan 

Thượng đỉnh Tây Balkan trong bầu không khí lạc lõng. Ảnh: AP

Cuộc họp thượng đỉnh thường niên kéo dài chưa từng có giữa các nhà lãnh đạo châu Âu và Tây Balkan tại Poznan (Ba Lan) đã không đạt được thỏa thuận nào cho tiến trình đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trước nỗi lo đang gia tăng về tầm ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực láng giềng còn nằm ngoài không gian EU.

Hội nghị thường niên nhằm thảo luận vấn đề gia nhập EU của 6 đối tác Tây Balkan gồm Albania, Serbia, Kosovo, Bắc Macedonia, Montenegro và Bosnia-Herzegovina là sáng kiến năm 2014 của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Đến nay, Montenegro và Serbia đã chính thức đàm phán với mục tiêu gia nhập vào năm 2025 vốn được cho là quá tham vọng. Albania và Bắc Macedonia đã được Ủy ban châu Âu (EC) vài lần hứa sẽ khởi động đàm phán nhưng liên tục bị trì hoãn vì sự phản đối của các nước thành viên EU như Hà Lan và Pháp. Bosnia-Herzegovina và Kosovo vẫn còn là ứng viên đàm phán “tiềm năng”.

Ba Lan, quốc gia Đông Âu lớn nhất là thành viên EU, với tư cách chủ nhà hội nghị bày tỏ hy vọng rằng tất cả các đối tác trên sẽ sớm gia nhập vào khối này. Như Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói: “Trở thành  thành viên EU là một chất xúc tác cho Ba Lan cải cách và tôi muốn triển vọng này sẽ có giá trị cho Tây Balkan”. Theo ý của ông Duda, các đối tác trên có thể gia nhập EU trước khi tiến hành cải cách. “Không có ai chia sẻ quan điểm này và tôi buồn bởi các nhà lãnh đạo EU quyết định trì hoãn tiếp nhận thành viên mới” - ông Duda giãi bày.

Phát biểu của ông Duda đối nghịch hoàn toàn với chính kiến công khai của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây rằng EU không thể mở rộng trước khi các ứng viên đáp ứng yêu cầu cải cách sâu sắc. Lâu nay, khu vực Tây Balkan bị cho là thiếu dân chủ, căng thẳng sắc tộc, luật pháp không công bằng, tham nhũng tràn lan và kinh tế nghèo nàn. Lần gần nhất EU mở rộng sang Tây Balkan là năm 2013 khi Croatia gia nhập. Bulgaria và Romania gia nhập EU năm 2007 và Slovenia gia nhập năm 2004.

Xoa dịu quan điểm dứt khoát của ông Macron, bà Merkel cho rằng nước Pháp gần đây đã khẳng định đang có kế hoạch tăng cường cam kết của mình đối với Tây Balkan và đây là “tín hiệu tốt”. Bà Merkel nhấn mạnh EU “có trách nhiệm và lợi ích chiến lược” đối với Tây Balkan. Tuy nhiên, bầu không khí lạc lõng và hoài nghi EU đã bao trùm hội nghị thượng đỉnh kéo dài suốt 2 ngày năm nay, khi vai trò của bà Merkel đang suy giảm vì nhiệm kỳ thủ tướng thứ 4 sắp kết thúc. EU năm nay chỉ cử Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini sắp hết nhiệm kỳ sang dự hội nghị. Sự hiện diện của nữ Thủ tướng Anh Theresa May, người đã thông báo từ chức, tại hội nghị là một dấu hỏi khi Anh sắp rời EU (Brexit). Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic đặt nghi vấn mục đích của hội nghị này là gì, nhất là sau khi một số lãnh đạo châu Âu thẳng thắn nói rằng họ không có ý định ngồi vào bàn thảo luận việc mở rộng khối.

ÐỨC TRUNG

 

Chia sẻ bài viết