09/11/2013 - 19:35

Lạc điệu

Ngoại trưởng John Kerry chịu sức ép trên bàn đàm phán ở Genève. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Barack Obama sáng 9-11 (giờ Việt Nam) đã phải gọi điện cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu để "nhắc nhở" lời phát biểu quá hấp tấp của ông này về thỏa thuận sắp đạt được giữa Iran và nhóm P5 + 1 tại vòng đàm phán hạt nhân thứ hai diễn ra tại Genève (Thụy Sĩ). Nhà Trắng cho biết ông Obama "cập nhật" thông tin kết quả đàm phán cho nhà lãnh đạo chính phủ Israel và nhấn mạnh rằng mục đích của đàm phán là ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố thêm hiện các bên chưa có thỏa hiệp gì và "mọi sự chỉ trích đều hơi quá sớm".

Trước đó, sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và Cao ủy đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton có cuộc gặp 3 bên 5 giờ đồng hồ và mang lại nhiều tín hiệu tích cực, Thủ tướng Netanyahu vội vã lên tiếng cảnh báo với ông Kerry và nhà ngoại giao cấp cao châu Âu rằng "Iran đã có một thỏa thuận thế kỷ và cộng đồng quốc tế nhận được một thỏa thuận tồi, thậm chí quá tồi". "Israel cực lực bác bỏ thỏa thuận sai lầm lịch sử này" - ông Netanyahu phát biểu trong một cuộc họp báo.

Trong cuộc họp báo tại Genève lúc gần nửa đêm 8-11, Ngoại trưởng Kerry cũng giải thích rõ chưa có thỏa thuận nào vào thời điểm này và các bên "vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng trên bàn đàm phán chưa được giải quyết".

Có lẽ, ông Netanyahu không hài lòng cam kết mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ rằng ông sẽ làm "tất cả những gì có thể" để "thu hẹp các bất đồng quan trọng" với Iran để đạt được thỏa thuận cuối cùng ngay trong vòng đàm phán lần này. Đây cũng là mong muốn và mục tiêu của Ngoại trưởng Iran Zarif.

Cơ hội thành công càng hiện rõ hơn khi lần lượt Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Ngoại trưởng Đức Guido Mesterwelle, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân thông báo sang Genève dự cuộc đàm phán vốn được kéo dài thêm ngày thứ 3 (9-11) ngoài dự kiến ban đầu. Đặc biệt, dù không có chỗ trên bàn đàm phán, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đăng ký đến Thụy Sĩ để "chúc mừng" thỏa thuận, sẵn dịp gặp mặt người đồng cấp Iran Jarif. Ông Kishida đang trông chờ Mỹ và EU bãi bỏ lệnh cấm vận dầu khí chống Iran để Nhật đảm bảo nguồn an ninh năng lượng từ một trong những quốc gia có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới này. Từ khi bị trừng phạt ngặt nghèo cách đây 2 năm, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã giảm đi khoảng 60%.

Ngoài việc có thể đáp ứng yêu cầu nới lỏng cấm vận xuất khẩu dầu mỏ, các cường quốc đã đồng ý "mở băng" nhiều tài khoản trị giá 50 tỉ USD của Iran ở nước ngoài. Tehran cũng hy vọng Mỹ và EU cho phép Iran được tái giao dịch ngân hàng và nhập khẩu kim loại quí.

Chấm dứt chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi của Iran và vỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khắc khe của phương Tây sẽ là thỏa thuận đầu tiên sau 10 năm đàm phán bế tắc của nhóm P5+1. Đồng thời, nó là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực hòa giải với Mỹ của tân Tổng thống Hassan Rouhani.

Thế nên, việc chính quyền Israel sử dụng vị thế quan hệ đồng minh "cận ruột"nhất tại khu vực Trung Đông đầy bất ổn để lên giọng yêu cầu Mỹ không thay đổi cách giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran có thể được coi là một sự lạc điệu, nếu không muốn nói là hành vi "kỳ đà cản mũi".

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, AFP)

 

Chia sẻ bài viết