Việc Trung Quốc lần đầu sau 44 năm phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang đầu đạn giả ra Nam Thái Bình Dương hồi cuối tháng 9 đã khiến Úc hết sức quan ngại và là cơ hội để nước này tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa trong bối cảnh khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đang bước vào "kỷ nguyên tên lửa mới".
Trung Quốc phô trương ICBM DF-41 trong một đợt duyệt binh năm 2019. Ảnh: Reuters
Thái Bình Dương dậy sóng vì tên lửa liên lục địa
Trong bài phát biểu ngày 30-10, Bộ trưởng Công nghiệp quốc phòng Úc Pat Conroy cho biết xứ sở chuột túi có kế hoạch tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa và tấn công tên lửa tầm xa. Theo ông Conroy, Úc sẽ hợp tác với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc để ổn định an ninh khu vực. Ông này nhấn mạnh, "cạnh tranh chiến lược" giữa Mỹ và Trung Quốc "là mối lo ngại an ninh chính của Úc", khiến Canberra "cần nhiều tên lửa hơn". Sự cạnh tranh đó đang ở mức gay gắt nhất trong khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, nơi đang bên bờ vực của kỷ nguyên tên lửa mới. Ông Conroy cho hay, Chính phủ Úc bày tỏ "mối quan ngại đáng kể" về vụ Trung Quốc thử ICBM, đặc biệt là việc Bắc Kinh xâm nhập vào Nam Thái Bình Dương.
Loại tên lửa ICBM mà Bắc Kinh phóng thử có tên gọi DF-41, có tầm bắn 12.000-15.000km, tức có khả năng tấn công lục địa Mỹ. ICBM nói chung có tầm bắn xa hơn 5.500km và được phát triển có thể mang đầu đạn hạt nhân. Theo báo South China Morning Post (SCMP) có trụ sở tại Hong Kong, vụ phóng tên lửa mới nhất đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm thành công ICBM trên vùng biển quốc tế trong vòng 44 năm qua. Vụ thử nghiệm tương tự đã diễn ra năm 1980 khi ICBM đầu tiên của Trung Quốc có tên gọi DF-5 đã bay xa hơn 9.000km.
Vụ Trung Quốc phóng thử ICBM diễn ra trong bối cảnh mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ hồi tháng 4 đã triển khai hệ thống tên lửa tầm trung trong các cuộc tập trận chung với Philippines, đánh dấu lần đầu hệ thống này được triển khai ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương kể từ khi Mỹ ký với Nga Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm 1987. INF cấm các tên lửa đất đối không có tầm bắn từ 500km-5.500km. Sau khi rút khỏi INF vào năm 2019, Mỹ đã tiếp tục phát triển các tên lửa tầm trung giữa lúc khả năng phát triển tên lửa của Trung Quốc ngày càng tăng. Washington còn lập ra một số chương trình nghiên cứu và phát triển năng lực tên lửa phóng từ mặt đất mới.
Thật ra, đây không phải là lần đầu xuất hiện lo ngại về "kỷ nguyên tên lửa mới" ở khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế trong một báo cáo hồi cuối tháng 10 năm ngoái cũng bày tỏ lo ngại tương tự. Theo báo cáo, khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương đang ở ngưỡng cửa của kỷ nguyên tên lửa mới, bởi nhận thức về tình trạng bất ổn gia tăng. Các hệ thống tên lửa đất đối đất từ tầm ngắn đến tầm trung đang nhanh chóng gia tăng tại khu vực. Sự hiện diện ngày càng tăng của các hệ thống tên lửa tại khu vực có thể làm trầm trọng thêm tình thế "tiến thoái lưỡng nan" về an ninh, vốn đã phức tạp và làm tăng nguy cơ leo thang hạt nhân trong các cuộc khủng hoảng.
Trong các diễn biến tên lửa mới nhất, lực lượng không gian Mỹ hôm 5-11 đã tiến hành vụ phóng thử ICBM Minuteman III như là một phần trong hoạt động thường kỳ nhằm chứng minh khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Tên lửa này được phóng đi từ bang California ra Thái Bình Dương. Như vậy chỉ trong thời gian ngắn đã có 4 vụ thử tên lửa có khả năng mang đầu hạt nhân làm dậy sóng Thái Bình Dương, bắt đầu là vụ phóng ICBM của Trung Quốc hôm 25-9, đến vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm (SLBM) RSM-56 Bulava của Nga ngày 29-10, rồi vụ phóng ICBM Hwasong-19 sử dụng nhiên liệu rắn lớn nhất của Triều Tiên ngày 31-10.
Chạy đua phát triển tên lửa
Bối cảnh trên cùng với nhận thức về những thách thức an ninh cấp bách đã thúc đẩy các khoản đầu tư đáng kể của các quốc gia trong khu vực vào năng lực tên lửa. Ông Conroy tiết lộ, Úc sẽ triển khai tên lửa SM-6 trên các tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Úc để tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Số tên lửa này được Hải quân Mỹ sử dụng để thực hiện tác chiến phòng không, tác chiến chống tàu mặt nước và phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, nước này cũng có kế hoạch tự sản xuất tên lửa và đẩy nhanh việc mua các loại tên lửa có khả năng tấn công tầm xa. Ðầu tháng 10 vừa qua, Úc đã công bố thỏa thuận trị giá 7 tỉ AUD (tương đương 4,58 tỉ USD) để mua tên lửa đất đối không SM-2 IIIC và SM-6 do Mỹ sản xuất. Ðáng chú ý, Canberra trước đó tuyên bố sẽ chi 74 tỉ AUD trong thập niên tới để mua tên lửa và các hệ thống phòng thủ tên lửa. Ðược biết, 21 tỉ AUD trong số này sẽ được dùng để thúc đẩy năng lực sản xuất tên lửa trong nước.
Hình ảnh được cho là ICBM Hwasong-19 trước khi phóng thử hôm 31-10 của Triều Tiên. Ảnh: KCNA
Ngoài ra, Úc cũng sẽ chi 316 triệu AUD để thiết lập cơ sở sản xuất Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) tại địa phương với sự hợp tác của nhà thầu quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Cơ sở này được cho có thể sản xuất 4.000 GMLRS/năm, tương đương 25% sản lượng GMLRS toàn cầu hiện tại. Chưa kể, Úc hồi tháng 8 cũng đã công bố kế hoạch hợp tác với công ty Kongsberg Defence & Aerospace (Na Uy) để sản xuất tên lửa tấn công hải quân tầm xa và tên lửa tấn công chung tại thành phố Newcastle.
Trong khi đó, Hàn Quốc, quốc gia duy trì chương trình phát triển tên lửa kể từ nửa sau Chiến tranh Lạnh, tiếp tục phát huy năng lực phát triển tên lửa của nước này để ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân và thông thường của Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc sẽ đầu tư khoảng 290 tỉ won (tương đương 218 triệu USD) để phát triển phiên bản cải tiến của tên lửa đất đối đất nội địa có khả năng tấn công các mục tiêu dưới lòng đất. Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng của Hàn Quốc nêu rõ, tên lửa phá hầm cải tiến sẽ được vận hành trên bệ phóng di động và sẽ tăng cường khả năng tấn công chính xác của quân đội chống lại các mục tiêu ẩn bên trong đường hầm và hầm ngầm. Tên lửa này được nâng tầm bắn và khả năng thâm nhập so với hệ thống hiện tại vốn có tầm bắn 180km.
Phía Nhật Bản cũng không chịu "ngồi yên". ABC News hồi tháng 5 dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản và Mỹ đã ký thỏa thuận để cùng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm bảo vệ nước này trước mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí siêu thanh. Ước tính, chi phí phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa siêu thanh là sẽ hơn 3 tỉ USD, trong đó Nhật Bản đóng góp 1 tỉ USD.
Trước sức mạnh quân sự vượt trội của Trung Quốc, Ðài Loan được cho đã tăng cường năng lực phòng thủ bằng tên lửa nhằm có thể tự bảo vệ chính mình trong một cuộc tấn công bất ngờ từ Bắc Kinh. Theo đó, Ðài Bắc tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng, tập trung mạnh vào phát triển vũ khí bản địa. Năm 2022, Ðài Loan thông qua ngân sách đặc biệt trị giá 8,6 tỉ USD để mua sắm vũ khí. Hòn đảo này còn phân bổ ngân sách quốc phòng hàng năm kỷ lục hơn 18,3 tỉ USD cho năm 2023.
Về phần mình, Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư phát triển tên lửa. Theo ước tính của Lầu Năm Góc vào năm ngoái, Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động và có khả năng sẽ sở hữu hơn 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Trung Quốc đang xây dựng hàng trăm hầm chứa bí mật cho ICBM trên đất liền.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)