17/05/2025 - 13:54

Kỷ nguyên mới của nước Đức 

Chỉ tuần đầu tiên trong vai trò Thủ tướng Đức, ông Friedrich Merz đã ban hành nhiều cải cách quan trọng, qua đó đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vào “kỷ nguyên mới”. Song, những nỗ lực của nhà lãnh đạo này phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

3 ưu tiên đầy tham vọng

Vị thủ tướng thứ 10 của nước Đức trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tiên sau khi tuyên thệ nhậm chức đã nêu ra 3 ưu tiên chính cho Chính phủ Đức, gồm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, phục hồi nền kinh tế trì trệ và tăng cường quốc phòng. “Ngày nay, chúng ta đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn này. Do đó, chúng ta một mặt cần phải tìm ra giải pháp tốt hơn đối với cuộc khủng hoảng di cư, mặt khác phải thực hiện cải cách nền kinh tế vốn đã trì trệ trong vòng 3 năm qua. Song, theo quan điểm của tôi, thách thức lớn nhất là tự do và hòa bình của đất nước đang bị đe dọa hơn bao giờ hết. Vì vậy, chúng ta phải hành động” - ông nói với đài truyền hình quốc gia ZDF.

Ông Merz phát biểutrước Quốc hội Đức hôm 14-5. Ảnh: Getty Images

Theo chỉ thị của ông Merz, Bộ Nội vụ Đức đã công bố các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn cũng như các thủ tục mới để trục xuất những người di cư bất hợp pháp cũng như những người xin tị nạn tại biên giới nước này. Bộ trưởng Nội vụ Alexander Dobrindt còn thu hồi một chỉ thị được ban hành hồi năm 2015 dưới thời cựu Thủ tướng Angela Merkel, trong đó cho phép những người nhập cư không có giấy tờ nhập cảnh vào Đức và xin tị nạn vì lý do nhân đạo.

Động thái trên của chính quyền Thủ tướng Merz là nhằm mục đích giảm số đơn xin tị nạn, vốn đạt mức 352.000 đơn hồi năm 2023 và chỉ giảm nhẹ xuống còn 250.000 đơn vào năm ngoái. Chính quyền ông Merz lập luận rằng theo luật và chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU), những người xin tị nạn phải nộp đơn tại quốc gia EU đầu tiên mà họ nhập cảnh, chẳng hạn như Hy Lạp hay Ý, thay vì phải đến Đức trước khi đơn xin tị nạn của họ được xử lý. Ngoài việc tăng cường kiểm soát biên giới, chính quyền Thủ tướng Merz còn có kế hoạch cải cách hệ thống tị nạn của Đức. Theo đó, Berlin đưa ra nhiều thay đổi, gồm các thủ tục xử lý nhanh hơn và tăng cường trục xuất những người tị nạn bị từ chối cũng như những kẻ phạm tội về nước. Đáng chú ý, Chính phủ Đức còn có ý định nhanh chóng kết thúc các thỏa thuận song phương với các quốc gia trung chuyển người tị nạn cũng như các nước người tị nạn xuất phát để hợp lý hóa quá trình hồi hương cho những người tị nạn bị từ chối.

Để giúp phục hồi nền kinh tế đang suy thoái và giải quyết bài toán tỷ lệ thất nghiệp cao, Chính phủ Đức có kế hoạch cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp, tăng mạnh đầu tư vào các lĩnh vực thêm chốt, đảm bảo cung cấp năng lượng với giá cả phải chăng cho các ngành sản xuất và công nghiệp, giảm gánh nặng hành chính và thành lập bộ phận kỹ thuật số để thúc đẩy tái công nghiệp hóa thông qua những tiến bộ về công nghệ.

Trong khi nhập cư và cải cách kinh tế chi phối chương trình nghị sự trong nước của ông Merz, nhà lãnh đạo Đức trong những tháng gần đây cũng đã nhiều lần nhấn mạnh đến nhu cầu tăng cường năng lực quốc phòng của Đức trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cắt giảm các cam kết đối với châu Âu. “Chúng ta phải ở vị thế có thể tự vệ. Bây giờ là lúc để châu Âu an toàn và kiên cường hơn. Nếu chúng ta mạnh mẽ thì châu Âu mới có hòa bình” - ông Merz từng phát biểu trước báo giới tại Brussels khi chưa trở thành thủ tướng.

Mới đây, chính phủ liên minh cầm quyền mới của Đức đã đưa ra gói đầu tư quốc phòng mang tính lịch sử thông qua một sửa đổi hiến pháp nhằm cho phép Đức vay hàng tỉ euro để mua vũ khí mới. Thông qua kế hoạch toàn diện này, Berlin đặt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng theo thỏa thuận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) để mua các hệ thống vũ khí tiên tiến như xe tăng chiến đấu Leopard, chiến đấu cơ, máy bay không người lái vũ trang cũng như hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi, đồng thời tăng cường hợp tác quân sự với các đối tác châu Âu. Chính quyền ông Merz còn có kế hoạch đóng vai trò dẫn đầu trong quốc phòng châu Âu và thúc đẩy quan hệ đối tác với các đồng minh ngoài EU, gồm Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy.

Nhiều thách thức không dễ giải quyết

Giới phân tích cho rằng với tư cách là thủ tướng Đức, ông Merz phải đối mặt với 2 nhiệm vụ lớn lao. Theo đó, ông phải cho châu Âu và thế giới thấy rằng Đức sẵn sàng đảm nhận vai trò lãnh đạo ở mức độ chưa từng thấy kể từ “thời hoàng kim” của cựu Thủ tướng Merkel cách đây hơn một thập niên. Ông cũng phải thuyết phục công chúng Đức vốn đang thất vọng về nền chính trị nhàm chán rằng các đảng chính thống có thể mang lại sự thay đổi cần thiết.

Tuy nhiên, việc ông Merz không giành được 316 phiếu cần thiết để trở thành thủ tướng Đức trong vòng bỏ phiếu thứ nhất có thể khiến cả 2 nhiệm vụ trên trở nên khó khăn hơn, bởi sự thất bại này là lời nhắc nhở rằng việc liên minh của ông Merz không nắm giữ đa số áp đảo trong Quốc hội có thể khiến các chương trình nghị sự của ông có thể bị bác bỏ. Liên minh cầm quyền mới ở Đức gồm Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ do ông Merz lãnh đạo và đảng Dân chủ Xã hội  (SPD) trung tả có tổng cộng 328 ghế trong Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) có 630 thành viên. 

Chưa kể, ông Merz “thừa hưởng” một nền kinh tế đang tiếp tục trì trệ khi GDP thực tế dự kiến chỉ tăng 0,2% vào năm 2025. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) cảnh báo rằng sự suy giảm tiềm ẩn có thể lên tới 0,6% nếu thuế quan của Mỹ có hiệu lực, trong khi xuất khẩu dự kiến sẽ giảm 0,3% do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. 

Trong khi đó, xu hướng nhân khẩu học, tài chính và xã hội đang cho thấy sự căng thẳng đáng kể. Năm 2023, dân số Đức từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% tổng dân số nước này - mức cao nhất trong số các quốc gia thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), trong khi các ngành chính, gồm sản xuất và chăm sóc sức khỏe, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động.

Về mặt đối ngoại, chính sách đối ngoại của Đức phải đối mặt với những thách thức từ trật tự quốc tế đang thay đổi, gồm cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như sự không chắc chắn về lập trường chính sách của Tổng thống Trump.

Tham vọng của ông Merz

Vị tân thủ tướng 69 tuổi của nước Đức, ông Friedrich Merz, trước đây từng là người thách thức vai trò lãnh đạo chính phủ nổi tiếng và thành công của “bà đầm thép” Angela Merkel trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) bảo thủ và sau này cũng lên tiếng chỉ trích người tiền nhiệm Olaf Scholz.

Giờ đây, ông Merz vừa đối diện với sự “bối rối” khi trở thành nhà lãnh đạo chính phủ đầu tiên không được Quốc hội Đức phê chuẩn ngay ở vòng bỏ phiếu đầu tiên dù các đảng đã ký thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền.

Từ “thế yếu” trên, Thủ tướng Merz đã thể hiện sự mạnh mẽ của mình qua việc dám vượt qua trần nợ công quốc gia để đầu tư lớn cho năng lực quốc phòng và xây dựng quân đội Đức trở thành lực lượng quy ước mạnh nhất châu Âu như vị thế kinh tế đang có của nước này. Hiện tại, theo chỉ số Hỏa lực Toàn cầu (Global Firepower), Đức đứng thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), đứng thứ sáu trong NATO, sau Mỹ, Anh, Pháp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lĩnh vực kinh tế, ông Merz tuyên bố “sẽ làm mọi cách” để đưa đầu tàu kinh tế châu Âu trở lại “quỹ đạo tăng trưởng”.

Về đối ngoại, ông khẳng định nước Đức đã trở lại với vai trò dẫn dắt châu Âu và thế giới. Ông đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới Pháp và Ba Lan như là chỉ dấu khởi đầu mới của Tam giác Weimar, vốn được thành lập sau Chiến tranh lạnh và bị đóng băng từ nhiều năm qua, nhằm giúp EU đối phó với những thách thức chung hiện nay.

Thủ tướng Merz đã thể hiện sự cứng rắn với Nga qua chuyến thăm Ukraine cùng với các nhà lãnh đạo Pháp, Anh và Ba Lan. Tuy nhiên, ông Merz cho rằng châu Âu không thể giải quyết vấn đề Ukraine mà không có Mỹ. Do đó, dù không thích Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng ông Merz vẫn hứa thuyết phục Washington duy trì sự hỗ trợ quân sự cho Kiev. Về quan hệ xuyên Đại Tây Dương nói chung, người đứng đầu chính phủ Đức nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ và khẳng định lại cam kết của Berlin đối với NATO. Đây là quan điểm thực tế dù trong chiến dịch tranh cử ông Merz tuyên bố châu Âu phải đạt mục tiêu “độc lập thật sự trước Mỹ”. 

ĐỨC TRUNG

 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết