14/09/2010 - 08:50

Kỷ nguyên mới cho Thổ Nhĩ Kỳ

Những người ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân sửa đổi Hiến pháp. Ảnh: Reuters

Trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 12-9, đa số cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua những sửa đổi về hiến pháp, trong đó thay đổi cơ bản cơ cấu hoạt động của hệ thống tư pháp và cắt giảm nhiều quyền lực của quân đội, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước này.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy 58% cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu ủng hộ sửa đổi Hiến pháp, vốn được lập nên sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980. Đây là một kết quả nằm ngoài dự đoán của các nhà phân tích và các cuộc thăm dò dư luận bởi trước đó dự luật đã được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua, song không hội đủ 2/3 số phiếu cần thiết để có hiệu lực. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và các thành viên trong chính phủ của ông đã mất nhiều công sức đi khắp đất nước vận động sự ủng hộ của nhân dân. Thủ tướng Erdogan tuyên bố: “Đất nước này đã vượt qua được ngưỡng cửa lịch sử hướng đến nền dân chủ tiên tiến và thượng tôn nhà nước pháp quyền”.

Theo gói sửa đổi gồm 26 điều khoản trong Hiến pháp, các quy định về cơ cấu Tòa án Hiến pháp, thẩm quyền của cơ quan bổ nhiệm các thẩm phán và cách thức lựa chọn các thẩm phán sẽ thay đổi. Số thành viên thẩm phán Tòa án Hiến pháp sẽ tăng lên từ 11 lên 17. Các tòa án dân sự do chính phủ bổ nhiệm sẽ có quyền truy tố quân nhân phạm tội chống lại nhà nước, trong khi các sĩ quan quân đội nếu bị sa thải có thể kháng án lên tòa án dân sự. Có thể nói, nhiều điều khoản đã hạn chế quyền thi hành công lý của các tòa án quân sự và cho phép các tòa án dân sự xét xử những quân nhân phạm tội âm mưu đảo chính trong thời bình. Các nghị sĩ quốc hội sẽ không bị tước quyền đại biểu dân cử ngay cả khi đảng của họ bị tòa án yêu cầu giải thể. Lệnh cấm các cuộc biểu tình mang động cơ chính trị sẽ được hủy bỏ. Ngoài ra, nội dung sửa đổi cũng đề cập quyền của các viên chức nhà nước được thương lượng tập thể, chứ không được bãi công, đồng thời tăng cường các quyền của phụ nữ và trẻ em.

Tuy vậy, cuộc trưng cầu ý dân vừa qua cũng cho thấy xã hội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc, bởi có tới 42% số cử tri không đồng tình việc sửa đổi Hiến pháp. Phe đối lập cho rằng các điều khoản sửa đổi Hiến pháp chỉ có lợi cho đảng cầm quyền và làm suy yếu truyền thống thế tục ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ còn rêu rao rằng sửa đổi Hiến pháp là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Erdogan từ năm 2002 nhằm hướng quốc gia này theo hệ thống Hồi giáo gần gũi hơn với Iran, nhưng xa lánh phương Tây và
Israel. Dĩ nhiên, ông Erdogan đã cực lực bác bỏ những luận điệu vô căn cứ này.

Từ Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngay lập tức gởi thông điệp chúc mừng và nhấn mạnh “tiến vang của nền dân chủ đang vọng khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay”. Các hãng tin phương Tây thì đều có chung nhận định kết quả này như là “lá phiếu tín nhiệm” của cử tri dành cho AKP trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm tới, đồng thời cánh cửa gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sẽ trở nên rộng mở hơn. Các nhà lãnh đạo EU đã hoan nghênh kết quả cuộc trưng cầu ý dân, coi đây là “bước đi đúng hướng” của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nước này vẫn cần phải thực hiện nhiều cải cách hơn nữa để đẩy nhanh tiến trình gia nhập EU.

PHÚC NGUYÊN (Theo AP, AFP và Reuters)

Chia sẻ bài viết