12/02/2015 - 14:18

Báo Xuân Ất Mùi 2015

KINH TẾ VIỆT NAM

Tăng tốc hội nhập cộng đồng ASEAN

TRÍ VĂN

Bất chấp kinh tế thế giới chưa hết khó khăn, năm 2014 Việt Nam vẫn tăng trưởng khá với 5,98% và dự kiến sẽ đạt 6,2% trong năm nay. Có được thành tựu đó, đóng góp của lĩnh vực ngoại thương là không nhỏ. Việc tăng cường quan hệ buôn bán và đầu tư với các nước láng giềng Đông Nam Á ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khu vực sẽ gần như liên thông hoàn toàn vào cuối năm nay.

Tăng cường giao thương

Kể từ năm 2003, thời điểm các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tuyên bố sẽ thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước khác trong ASEAN phát triển mạnh, tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại đã tăng gấp 4,5 lần chỉ trong một thập niên, từ 8,9 tỉ USD năm 2003 lên 40 tỉ USD năm 2013. Singapore hiện là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và lớn nhất trong ASEAN với giá trị buôn bán hai chiều năm ngoái tăng hơn 20% lên 17 tỉ USD. Xuất khẩu sang thị trường Singapore nói riêng và ASEAN nói chung tăng mạnh đã góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của Việt Nam đạt 150 tỉ USD, tăng 13,6% so với năm 2013 và xuất siêu năm thứ ba liên tiếp với gần 2 tỉ USD.

Theo Tổng cục Hải quan, ASEAN hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và Liên minh châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang ASEAN gồm dầu thô, điện thoại và linh kiện, máy tính, máy móc thiết bị, gạo, cà phê, cao su, hàng dệt may... Đồng thời, ASEAN cũng là thị trường cung ứng quan trọng thứ hai, sau Trung Quốc. Trong đó, Singapore, Thái Lan và Lào là 3 thị trường nhập khẩu chính với các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu đang tăng mạnh là khí hóa lỏng, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, đá quý…

Hiện Việt Nam nhập siêu trong buôn bán với các nước ASEAN. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp của chúng ta phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho hàng hóa, tận dụng lợi thế ASEAN là thị trường gần, có nhiều nét tương đồng, tốc độ tăng trưởng cao, chi phí cho quảng cáo và tiếp thị thấp để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường hơn 500 triệu người tiêu dùng này.

Các nhà đầu tư Thái Lan rất quan tâm tới thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đẩy mạnh đổ vốn vào thị trường của nhau

Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, chỉ sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Tính đến tháng 9-2014, tổng vốn đầu tư của Singapore vào Việt Nam đạt khoảng 31 tỉ USD với hơn 1.310 dự án, trong đó các Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) được xem là một biểu tượng thành công. Cho đến nay, đã có 5 VSIP tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho trên 140.000 người.

Malaysia cũng là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt Nam, xếp thứ 8 với hơn 11 tỉ USD, và nổi bật với dự án Gamuda City trị giá 5 tỉ USD do Tập đoàn Gamuda đầu tư tại Hà Nội.

Hiện Thái Lan có 365 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 6,63 tỉ USD, xếp thứ 10. Hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Thái Lan hướng đến Việt Nam như một thị trường đầy tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực bán lẻ và sản xuất công nghiệp. Điển hình là tháng 6-2013, Tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam và đổi tên thành Bs Mart, và một năm sau đó đổ thêm 879 triệu USD mua Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan. Trong khi đó, F&N Dairy Investments của tỉ phú người Thái Charoen Sirivadhanabhakdi hiện là cổ đông ngoại lớn nhất của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng khá, nguồn lao động giá rẻ dồi dào, thị trường nội địa lớn với 90 triệu người tiêu dùng... là những ưu thế khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ASEAN.

Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 10- 2014 Lào đã cấp phép cho 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn khoảng 5 tỉ USD, đưa Việt Nam vào vị trí thứ hai trong danh sách các quốc gia đầu tư nhiều vào Lào, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, dịch vụ, kết cấu hạ tầng, nông - lâm nghiệp và khai khoáng… Trong đó, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được xem như "cánh chim đầu đàn" với tổng vốn đầu tư ước đạt 1,2 tỉ USD. Ngoài ra, nhiều dự án lớn khác của Việt Nam cũng đang được triển khai tại Lào, gồm dự án 1 tỉ USD của Công ty Golf Long Thành, dự án 760 triệu USD của Công ty Cổ phần Điện Việt - Lào, hay dự án 250 triệu USD của Tập đoàn Hà Đô… Các dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào đang giúp phát triển kinh tế nước sở tại, tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.

Còn theo Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam ở Campuchia, Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm tại nước này với tổng vốn đạt trên 3 tỉ USD trong hơn 130 dự án, tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, năng lượng, tài chính- ngân hàng. Trong đó có một số dự án lớn như dự án trồng cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, nhà máy sản xuất phân bón Năm Sao Campuchia của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao… Dự báo trong năm 2015 này, đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia sẽ đạt khoảng 4 - 4,2 tỉ USD.

Đến nay đã có 56 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar, 7 dự án đầu tư được phía Myanmar cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 600 triệu USD. Phấn đấu đến năm 2015, tổng vốn đầu tư của Việt Nam vào Myanmar đạt khoảng 1,5 tỉ USD, đưa Việt Nam vào tốp 5 quốc gia đầu tư lớn nhất tại đây. Trong đó, một số dự án trọng điểm như tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với số vốn đăng ký khoảng 440 triệu USD, hay dự án liên doanh thăm dò dầu khí ngoài khơi lô M2 của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí với số vốn hơn 145 triệu USD…

Sẵn sàng cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN

Với tinh thần chủ động và tích cực hội nhập ASEAN, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Thủ đô Naypyidaw của Myanmar tháng 8-2014, Việt Nam đã chủ động cùng các nước ASEAN thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy công tác xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, đồng thời thúc đẩy hợp tác với các nước đối tác ngoại khối. Tại Hội nghị, các nước đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập ASEAN, cho rằng mặc dù là một trong 4 nước gia nhập ASEAN muộn nhưng Việt Nam thuộc nhóm số ít thành viên có tỷ lệ thực hiện các biện pháp xây dựng AEC ở mức cao nhất.

Giới chuyên gia cho rằng khi AEC ra đời, cơ hội cũng như thách thức sẽ chia đều cho Việt Nam.

Cụ thể, AEC đi vào hoạt động sẽ tạo ra một thị trường đơn nhất, khai thác được tối đa các ưu đãi thương mại tự do mang lại, thuế suất lưu thông hàng hóa giữa các nước trong khu vực sẽ được cắt giảm dần về 0%, bên cạnh đó là sự di chuyển tự do của các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư... Theo Tổ chức Lao động Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á, nếu có được sự quản lý hợp lý và quyết liệt thực thi một cách hiệu quả thì AEC có thể sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.

Tuy nhiên, những yêu cầu ngày càng cao đối với hàng xuất khẩu sẽ là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các biện pháp bảo hộ thương mại tinh vi đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, hàng hóa của chúng ta cũng sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà.

Chia sẻ bài viết