16/05/2009 - 09:59

Khủng hoảng tài chính toàn cầu

Kỳ 2: Giải cứu và những cuộc tranh cãi

Kỳ 1: Nguồn gốc khủng hoảng

Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu lan rộng sau sự sụp đổ của Lehman Brothers.

Sự kiện đánh dấu cuộc khủng hoảng bắt đầu là vào giữa tháng 9-2007, khi hàng ngàn người gởi tiền xếp hàng rồng rắn suốt 3 ngày bên ngoài các chi nhánh của Northern Rock, ngân hàng cho vay thế chấp lớn thứ 5 của Anh đang có nguy cơ sụp đổ do khủng hoảng nợ quá hạn. Chính phủ Anh buộc phải cứu Northern Rock bằng cách bơm vào đây 27 tỉ bảng.

Tại Mỹ, tháng 6-2007, Ngân hàng Bear Stearns với 2 quỹ đầu cơ đầu tư mạnh vào thị trường thứ cấp, bắt đầu vỡ nợ. Để vực dậy thị trường tài chính Wall Street, FED tiếp tục hạ lãi suất còn 1%, thậm chí lãi suất ngắn hạn xuống gần bằng 0%, nhưng không thể ngăn chặn xu hướng rớt giá nhà đất. Tới tháng 3-2008, FED buộc phải cứu Bear Stearns bằng gói bảo đảm nợ trị giá 30 tỉ USD. Tình hình càng trở nên ảm đạm hơn vào tháng 8-2008, khi giá cổ phiếu của Fannie Mae và Freddie Mac, 2 định chế tài chính do chính phủ Mỹ bảo trợ hoạt động trên thị trường nhà ở, sụt giảm mạnh. Sau nhiều nỗ lực thuyết phục chính phủ, ngày 7-9-2008, Bộ Tài chính thông báo tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac.

Sau các nỗ lực cứu nguy thị trường tài chính của Mỹ và Anh, tình hình không sáng sủa trở lại mà diễn biến tồi tệ hơn. Ngày 12-9-2008, các quan chức tài chính cấp cao của Mỹ đã phải nhóm họp để tìm cách ngăn nguy cơ phá sản của ngân hàng có lịch sử 160 năm là Lehman Brothers. Kết quả, thương lượng bất thành và chính phủ từ chối cứu Lehman Brothers như từng làm với Bear Stearns. Sự sụp đổ của Lehman Brothers gây “sốc” cho cả hệ thống ngân hàng toàn cầu. Không ai nghĩ rằng những “gã khổng lồ” trong ngành tài chính lại gặp nguy hiểm. Để tránh số phận tương tự Lehman Brothers, tập đoàn đầu tư tài chính Merrill Lynch đã “tự bán mình” cho Ngân hàng Mỹ (Bank of America). Đến ngày 16-9-2008, FED lại phải đồng ý chi 85 tỉ USD để cứu Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG cũng đang ngấp nghé bờ vực sụp đổ vì các khoản bảo hiểm độc hại.

Để tự cứu mình, các ngân hàng củng cố nguồn tài chính bằng cách ngừng cho vay, dẫn tới tình trạng rối loạn tín dụng. Không có nguồn tín dụng rẻ và dễ dàng để “bôi trơn” cho cả nền kinh tế, Mỹ và Anh bắt đầu rơi vào suy thoái, kéo theo nền kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng tài chính nhanh chóng chuyển sang khủng hoảng kinh tế, mở rộng từ Mỹ tới châu Âu rồi lan sang các thị trường mới nổi. Một loạt quốc gia phải cầu cứu các định chế tài chính quốc tế. Một số chính phủ sụp đổ do không chống chọi nổi cơn bão tài chính, chẳng hạn như ở Iceland, Hungary...

Để đương đầu hiệu quả với cơn bão tài chính, ngoài việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương, chính phủ các nước cũng tăng cường chi tiêu để kích cầu. Đây được xem là một trong những biện pháp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Cho đến nay, tổng cộng Mỹ đã cam kết chi hơn 1.500 tỉ USD cho hai gói giải cứu và kích thích kinh tế, trong khi Nhật chi trên 750 tỉ USD, còn Trung Quốc là 586 tỉ USD. Các nước khác cũng kích cầu tùy theo khả năng của mình.

Tuy nhiên, các gói giải cứu kinh tế dẫn đến việc quốc hữu hóa hệ thống ngân hàng nói riêng và các ngành kinh tế khác, đã gây ra cuộc tranh cãi ở các nước tư bản, khi các nghị sĩ theo xu hướng thị trường tự do chỉ trích việc này tương tự mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.

N.MINH
(Theo Guardian, AP, Washingtonpost)

(Kỳ tới: Chủ nghĩa tư bản đi về đâu?)

Chia sẻ bài viết