20/11/2008 - 08:54

Khủng hoảng tài chính làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ

Các quan chức tài chính-ngân hàng Mỹ giải trình trước Ủy ban Tài chính Hạ viện về việc sử dụng gói giải cứu kinh tế 700 tỉ USD hôm 18-11. Washington dự kiến sẽ tung ra gói kích thích kinh tế mới trị giá 211 tỉ USD. Ảnh: AFP

Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ có thể đã bước vào suy thoái hồi tháng 4-2008 và tình trạng này sẽ kéo dài khoảng 14 tháng. Quý 4 năm nay, GDP của nền kinh tế lớn nhất thế giới dự báo giảm 2,9% và giảm tiếp 1,1% trong quý 1- 2009, trước khi tăng trưởng nhẹ trở lại vào giữa năm tới. Các nhà phân tích chính sách đối ngoại cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay có thể làm suy yếu sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.

Khôi phục nhanh niềm tin của các nước đối với kinh tế Mỹ, nhất là đồng USD - vốn được xem như đồng tiền dự trữ của thế giới- phụ thuộc nhiều vào gói giải cứu thị trường tài chính trị giá 700 tỉ USD được chính quyền Tổng thống George Bush thông qua hồi tháng 10. Tuy nhiên, số tiền này được cho là chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách của Mỹ ngày càng trầm trọng, đặc biệt là do khoản chi liên tục 15 tỉ USD/tháng trong nhiều năm cho 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Theo thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 9-2008 lên tới mức kỷ lục 455 tỉ USD, gần gấp 3 lần mức 162 tỉ USD của tài khóa trước. Nhà phân tích Charles Kupchan tại Hội đồng Đối ngoại Mỹ cho rằng khủng hoảng tài chính và thâm hụt ngân sách đang hủy hoại đáng kể sức mạnh của Washington ở hải ngoại.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ Thomas Fingar, vai trò lãnh đạo của Washington trong các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hóa trên thế giới sẽ suy giảm ngày càng mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính. Các giải pháp quyết liệt của Bộ Tài chính Mỹ đã đánh dấu sự chấm hết cho mô hình kinh tế thị trường tự do, vốn được Washington rao giảng nhiều thập niên qua, thường thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Trong khi đó, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc hiện nay có thể được xem như của tương lai. Thực tế, nhiều năm qua Trung Quốc đã có vai trò quan trọng trong việc viện trợ và đầu tư ở châu Phi và Mỹ La-tinh. Năm ngoái, Bắc Kinh cam kết dành cho châu Phi các khoản vay lên tới 20 tỉ USD trong 3 năm 2007-2009. Ngược lại, trong nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách, Quốc hội Mỹ sẽ cắt giảm viện trợ nước ngoài, từng được xem là phương tiện để Washington gây ảnh hưởng đối với các nước khác.

Nhà phân tích Kupchan cho rằng khủng hoảng tài chính sẽ buộc chính quyền Mỹ phải dè dặt hơn và sử dụng chính sách đối ngoại ít tốn kém hơn. Theo ông, đã đến lúc Nhà Trắng tập trung vào các vấn đề riêng của mình, thay vì can thiệp vào nước khác. Nói cách khác, điều đó có nghĩa là một nước Mỹ hướng nội nhiều hơn. Khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng cho thấy sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với chính sách đối ngoại áp đặt đã sụt giảm nghiêm trọng so với 4 năm trước. 45% người được hỏi cho rằng giảm can thiệp quân sự của Mỹ ở bên ngoài nên là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới, so với 35% hồi năm 2004.

N.MINH (Theo AFP, Atimes)

Các quan chức tài chính-ngân hàng Mỹ giải trình trước Ủy ban Tài chính Hạ viện về việc sử dụng gói giải cứu kinh t

Chia sẻ bài viết