27/06/2022 - 19:29

Khủng hoảng năng lượng gây bất ổn ở châu Á 

Tại Sri Lanka, người dân xếp hàng dài hàng cây số để mua nhiên liệu, trong khi tại Bangladesh, các cửa hàng đóng cửa lúc 8 giờ tối. Còn tại Ấn Độ và Pakistan, tình trạng mất điện buộc các trường học, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa và người dân sống trong cảnh ngột ngạt khi không có máy điều hòa giữa lúc nắng nóng hoành hành.

Một người bán vải Pakistan dưới ánh sáng được kết nối với một chiếc xe máy. Ảnh: CNN

Một người bán vải Pakistan dưới ánh sáng được kết nối với một chiếc xe máy. Ảnh: CNN

Đó chỉ là một số ví dụ điển hình về hậu quả mà cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Á - Thái Bình Dương mang lại. Hiện các quốc gia trong khu vực đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất trong nhiều năm và đang phải vật lộn với tình trạng bất ổn ngày càng tăng do chi phí sinh hoạt leo thang. Cách nay một tuần, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera cảnh báo nước này gần như cạn kiệt dầu diesel và xăng. Cảnh báo ảm đạm đó được đưa ra khi người dân xếp hàng dài tới 3km tại các trạm nhiên liệu ở thủ đô Colombo, trong khi tại nhiều thị trấn đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và công chúng.

Chính khủng hoảng năng lượng đã khiến hàng loạt bộ trưởng của Sri Lanka từ chức và góp phần khiến Thủ tướng Pakistan Imran Khan mất quyền lực, đồng thời buộc Sri Lanka và Pakistan đưa ra các biện pháp liều lĩnh, nhượng bộ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và áp dụng tuần làm việc ngắn hơn trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng. Đơn cử, các văn phòng khu vực công, trường học công lẫn tư thục hôm 20-6 được Chính phủ Sri Lanka yêu cầu đóng cửa trong ít nhất 2 tuần. Trong khi đó, các nhân viên khu vực công được yêu cầu nghỉ làm ngày thứ Sáu trong vòng 3 tháng tới. Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe hôm 22-6 thừa nhận nền kinh tế nước này đã “hoàn toàn sụp đổ”. Riêng Pakistan cũng giảm số ngày làm việc trong tuần, từ 6 ngày xuống còn 5 ngày.

Ở những nơi khác trong khu vực, khủng hoảng năng lượng dù ít rõ ràng hơn nhưng vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ngay cả ở các quốc gia tương đối giàu có, chẳng hạn như Úc, nhiều lo ngại về kinh tế bắt đầu xuất hiện khi người tiêu dùng phải “gồng mình” trả các hóa đơn điện. CNN cho biết, giá điện tại xứ chuột túi trong quý I tăng 141% so với năm ngoái. Các hộ gia đình được yêu cầu cắt giảm sử dụng điện. Thậm chí, Ủy ban An ninh Năng lượng của chính phủ đề xuất rằng tất cả các nhà máy phát điện, gồm cả các nhà máy đốt than, phải được trả tiền để duy trì công suất.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Ấn Độ. Do phải chịu đựng tình trạng mất điện trên diện rộng giữa lúc nhiệt độ ở mức cao kỷ lục, nhà sản xuất than lớn thứ ba thế giới này hôm 28-5 thông báo rằng công ty khai thác than lớn nhất thế giới do Chính phủ Ấn Độ điều hành sẽ nhập khẩu than lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Không những vậy, các quốc gia trong khu vực đều bị ảnh hưởng bởi tác động kép của đại dịch COVID-19 và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Trong những năm gần đây, COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở mức thấp bất thường. Mức tiêu thụ điện toàn cầu giảm hơn 3% trong quý I-2020 do các nhà máy phải đóng cửa trong khi các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Corona khiến người lao động phải ở nhà, ô tô hạn chế ra đường, tàu thuyền mắc kẹt tại các cảng. Nhưng giờ đây khi các nước bắt đầu đẩy lùi COVID-19, nhu cầu về nhiên liệu tăng vọt. Song, với việc Mỹ và đồng minh trừng phạt ngành dầu khí của Nga - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai thế giới, nhiều quốc gia đã phải tăng cường tìm nguồn thay thế, qua đó càng làm nóng thêm cuộc cạnh tranh về nguồn cung năng lượng, đẩy giá than, dầu và khí đốt lên mức cao kỷ lục.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết