Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đã khiến Somalia rơi xuống “đáy” thảm họa nhân đạo khi mà ¼ dân số quốc gia Ðông Phi này đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.
Ðầu năm nay, nỗi sợ hãi đã bao trùm ngôi làng mà Fadumo Ali Mohamed đang sinh sống, khiến chị không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời khỏi quê hương. Sau khi đi bộ khoảng 30km qua vùng Hạ Shabelle, Mohamed cùng 9 đứa con cuối cùng cũng được cho đi nhờ đến thủ đô Mogadishu bằng ôtô.

Mohamed cùng những đứa con sống trong căn nhà chật hẹp ở thủ đô Mogadishu.
Ảnh: Guardian
Hiện tại, Mohamed là một trong số hơn 800.000 người di cư nội địa ở Mogadishu sống trong những khu định cư tạm bợ chật chội, khó tiếp cận thực phẩm, nguồn nước cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sở dĩ Mohamed phải rời bỏ quê nhà là vì chị phải chứng kiến cảnh bạo lực ngày càng gia tăng. “Giao tranh giữa 2 bộ tộc nổ ra và chúng tôi không thể đi đâu trong suốt 2 ngày. Dì và em họ của tôi đã chết trong một trận đấu súng. Lực lượng dân quân thì kiểm soát các giếng nước, không ai dám đến gần họ. Vì vậy, tôi quyết định cùng con bỏ trốn” - Mohamed kể lại. Chị cho biết bạo lực đã diễn ra từ lâu và trở nền tồi tệ những ngày gần đây. Các cuộc đấu súng kinh hoàng đã biến nơi chị sinh sống thành “ngôi làng ma”. “Ðó là cơn ác mộng mà tôi không muốn nhớ lại - cháy nhà và những người chết bơ vơ trên đường” - chị Mohamed ngậm ngùi nói.
Tại Mogadishu, Mohamed cùng các con sống tại một nơi tạm bợ và mỗi ngày chỉ ăn một bữa. “Chúng tôi từng kiếm sống bằng cách giặt quần áo cho người dân trong thành phố, nhưng khi bùng phát làn sóng COVID-19 thứ 2, mọi nhà đều đóng cửa. Cuộc sống trở nên cực kỳ khó khăn. Chúng tôi không thứ gì để ăn” - chị Mohamed cho biết. Thậm chí, gia đình chị không có tiền để mua nước sinh hoạt và không thể tiếp cận thuốc men mỗi khi chồng của chị ngã bệnh.
Theo tờ The Guardian, chính tình trạng hạn hán kéo dài, nguồn nước ngày càng cạn kiệt và thiếu nguồn đất canh tác màu mỡ đã thúc đẩy căng thẳng giữa các gia tộc và tạo ra tình trạng di cư quy mô lớn trên khắp Somalia. Quốc gia Ðông Phi mong manh này lại đang rơi vào một loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo, gồm khủng hoảng khí hậu vốn làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột dai dẳng và góp phần tạo ra những cuộc xung đột mới, rồi đại dịch COVID-19 ập tới cướp đi sinh kế và mạng sống người dân. Bất ổn chính trị theo đó không bao giờ tránh khỏi. Và giống như hầu hết các nước trong khu vực, nước này đã phải đối mặt với đại dịch châu chấu sa mạc phá hoại mùa màng. Tất cả như đang góp phần tạo ra nạn đói trên khắp Somalia.
Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) hồi đầu tháng 8 cảnh báo, Somalia đang ở “đáy của một thảm họa nhân đạo” khi mà 25% dân số phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong khi hơn 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính. IFRC lo ngại, COVID-19 sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy dinh dưỡng ở các nhóm người dễ bị tổn thương, gồm các hộ gia đình nghèo ở khu vực thành thị và những người đi cư sống trong cảnh chật hẹp, mất vệ sinh. “Somalia là một trong những nơi rủi ro nhất trên Trái đất hiện nay. Ðất nước này có một danh mục thảm họa. Các thảm họa liên quan đến khí hậu, xung đột và COVID-19 đã kết hợp lại tạo thành cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn đối với hàng triệu người. Chúng ta không thể tiếp tục nói gì thêm mà phải tìm cách làm sao để giảm nỗi đau khổ cho họ ngay từ bây giờ” - Mohammed Mukhier, Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của IFRC, nhấn mạnh.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc hồi tháng 6 cho hay Somalia đang đối mặt với tình trạng thiếu kinh phí tồi tệ nhất trong vòng 6 năm qua. Trong lời kêu gọi khẩn cấp được đưa ra hồi tháng 7, IFRC cho hay đang tìm cách quyên góp 7 triệu bảng (tương đương 9,59 triệu USD) để giúp Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Somalia hỗ trợ nhân đạo cho người dân ở khu tự trị Somaliland (vùng Tây Bắc Bộ Somalia) và khu vực Puntland (Ðông Bắc Somalia) trong 18 tháng tới. Ðại dịch COVID-19 cũng đã làm gián đoạn nền kinh tế Somalia, vốn đang dần phục hồi sau nhiều năm xung đột. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP nước này sụt giảm 1,5% trong năm 2020. Trong đó, ngành chăn nuôi, vốn đóng góp ít nhất 40% GDP cả nước, là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
TRÍ VĂN (Theo The Guardian)