|
Tổng thống Iran Ahmadinejad (trái) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Singh khi cùng tham dự một hội nghị ở Cuba năm 2006. |
Ấn Độ từng ủng hộ việc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) yêu cầu Iran ngừng chương trình làm giàu uranium gây tranh cãi của mình. Báo chí phương Tây bình luận rằng lập trường đó của New Delhi sẽ tác động tiêu cực đến các mối quan hệ lịch sử truyền thống cũng như tương lai hợp tác với Tehran. Thế nhưng, chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày hôm nay 29-4 là cơ hội để củng cố mối quan hệ có từ lâu đời giữa hai nước.
Ấn Độ và Iran có nhiều lĩnh vực hợp tác và chia sẻ lợi ích lẫn nhau như giúp ổn định Afghanistan, chống khủng bố và tạo ra môi trường hợp tác vì sự thịnh vượng tại Trung Á, nơi mà hai nước cùng là quan sát viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng như cảng biển, đường ray xe lửa nằm trong tuyến đường xuyên Á cũng là cơ hội phát triển quan hệ giữa hai bên. Về mặt tôn giáo và dân tộc, Iran là quốc gia có người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống lớn nhất thế giới, còn Ấn Độ đứng hàng thứ hai với 20 triệu người Shiite. Vì vậy, thúc đẩy quan hệ với Tehran là chìa khóa chính trị giúp New Delhi xây dựng lòng tin trong cộng đồng Hồi giáo sống chủ yếu tại khu vực Kashmir đòi ly khai và đang tranh chấp với Pakistan. Và không kém phần quan trọng, là nền kinh tế lớn thứ ba châu Á và có dân số đông thứ hai thế giới, Ấn Độ đang rất cần nguồn cung năng lượng từ Iran, nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ hai thế giới với khoảng 26.000 tỉ mét khối và trữ lượng dầu lớn thứ ba hành tinh với 130 tỉ thùng.
Vài ngày trước khi ông Ahmadinejad tới New Delhi, Bộ Năng lượng Ấn Độ và Pakistan đã đạt được thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt dài hơn 2.700 km trị giá 7,5 tỉ USD đi từ Iran qua Pakistan đến Ấn Độ. Bên cạnh việc có thể nhập hàng tỉ mét khối khí/ngày từ đường ống này, Ấn Độ hy vọng sẽ ký kết hợp đồng mua từ Iran 5 triệu tấn khí hóa lỏng (LNG)/năm kéo dài trong 25 năm trị giá 25 tỉ USD.
Đạt được những lợi ích chiến lược trong quan hệ với Iran là quá rõ ràng, nhưng Ấn Độ phải vượt qua các “rào cản” từ phía Mỹ. Washington đã ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ phát triển năng lượng hạt nhân hiện đại cho Ấn Độ và đặt điều kiện New Delhi không thắt chặt quan hệ với Tehran. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân trên chưa chắc nhận được sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ trong khi đang gây phản ứng gay gắt trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Manmohan Singh.
Washington yêu cầu giới lãnh đạo Ấn Độ gây áp lực buộc Iran ngừng chương trình làm giàu uranium, chấm dứt can thiệp vào nội tình Iraq và không hậu thuẫn cho các “tổ chức khủng bố” như Hamas ở Palestine, Hezbollah ở Liban. Thế nhưng, Bộ Ngoại giao Ấn Độ ra tuyên bố nêu rõ New Delhi không cần bất cứ sự “hướng dẫn” nào của nước ngoài đối với chính sách ngoại giao của mình. Tuyên bố còn nhấn mạnh cả Ấn Độ và Iran, hai quốc gia có nền văn minh cổ từng gắn bó quan hệ với nhau trong nhiều thế kỷ trước, có đầy đủ khả năng kiểm soát tất cả các lĩnh vực quan hệ của mình mà không cần ai đó bận tâm chỉ đạo.
PHÚC NGUYÊN
(Tổng hợp từ IANS, Persian Journal, Time, Bloomberg)