Trong thời gian qua, theo tờ Thời báo New York (Mỹ), người ta thấy Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tỏ ra bận bịu với chính sách đối ngoại với hàng khối việc thuộc tầm “đại sự”, từ việc đưa quân tham chiến ở Bờ Biển Ngà, lật đổ chế độ của Tổng thống Laurent Gbagbo cách đây 4 tháng, tới việc cùng Anh lãnh đạo lực lượng liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu hỗ trợ phe nổi dậy ở Libye hạ bệ Đại tá Muammar Gadhafi. Đó là chưa kể những nỗ lực của Pháp nhằm chứng tỏ vai trò “đầu tàu kinh tế châu Âu”cùng những đề xuất gây tranh cãi hướng tới mục tiêu trở thành nước có công lớn đưa Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) thoát khỏi bóng ma khủng hoảng tài chính và nợ công. Ông Sarkozy cũng tận dụng tối đa vị thế của nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G8) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) để phát huy ảnh hưởng của Pháp trong những vấn đề toàn cầu.
Trước cuộc họp quốc tế về Libye tại Thủ đô Paris ngày 1-9, ông Sarkozy đã có cuộc gặp với các đại sứ Pháp trên khắp thế giới về họp mặt hôm 31-8. Tại đây, ông tự hào rằng lần đầu tiên từ năm 1949, Pháp và Anh (chứ không phải Mỹ) đã điều khiển “cánh tay đắc lực” NATO trừng phạt quân sự một quốc gia (Libye). Riêng Pháp đã thể hiện “bản lĩnh” hơn khi cùng lúc xua quân đánh bại chế độ Laurent Gbagbo ở Bờ Biển Ngà. “Đây là năm đặc biệt của nước Pháp”, ông Sarkozy đánh giá. Chưa hết, ông chủ Điện Élysée còn cảnh báo Pháp và các đối tác của mình sẽ làm tất cả những gì có thể nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad để đáp ứng cái mà ông gọi là “khát vọng tự do và dân chủ của nhân dân Syrie”, đồng thời bóng gió nói rằng những tham vọng của Tehran nhằm chế tạo tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân có thể dẫn tới việc một số quốc gia (có thể trong đó có Pháp) sẽ tiến hành đòn tấn công phủ đầu nhằm vào Iran.
Trên lĩnh vực kinh tế khu vực và toàn cầu, ông Sarkozy đề cao “vai trò trung tâm” của Pháp và Đức trong nỗ lực giúp Eurozone vượt qua khó khăn tài chính. Ông nhấn mạnh thâm hụt ngân sách và nợ công của Eurozone hiện nay không đáng lo hơn như ở Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cảnh báo các nước G20 không nên đồng loạt áp dụng kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” có thể làm nền kinh tế toàn cầu suy thoái trở lại. Ông hy vọng hội nghị thượng đỉnh của G20 vào đầu tháng 11 ở Pháp sẽ đưa ra những cam kết, kế hoạch hành động cụ thể và rõ ràng để phục hồi kinh tế thế giới.
Thế nhưng, bản thân chính quyền Paris đã bị dư luận trong nước chỉ trích dữ dội khi cũng không thoát khỏi tình trạng bị cuốn vào cuộc “chạy đua” với nhiều nước Eurozone thực hiện liệu pháp “thắt hầu bao” 12 tỉ euro để tránh nguy cơ bị hạ mức tín nhiệm ổn định tài chính. Nhiều người dân Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối Paris can thiệp quân sự ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận Pháp thời gian gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Sarkozy chưa tới 30%. Uy tín của ông còn có nguy cơ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi những chuyện lùm sùm liên quan đến đời tư và nhân cách của ông đang được báo chí trong nước bới lên trở thành nỗi ám ảnh của ông. Hãng tin Pháp AFP cho biết đúng vào dịp Pháp tổ chức hội nghị quốc tế về Libye ở Paris, một cuốn sách xuất bản ngày 1-9 của hai phóng viên điều tra báo Le Monde đã được tung ra, kể về nghi án của nữ tỉ phú Liliane Bettencourt, trong đó ông Sarkozy bị cáo buộc nhận tiền lót tay phi pháp của người thừa kế hãng mỹ phẩm LOréal trước chiến dịch vận động tranh cử tổng thống hồi năm 2007.
Xem ra, chiến thuật lấy đối ngoại để đánh bóng hình ảnh lu mờ trong nước của ông Sarkozy vẫn chưa thể phát huy tác dụng.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)