28/02/2020 - 18:38

Khó đoán cuộc đua giành ghế Thủ tướng Malaysia 

Ngày 28-2, ban lãnh đạo Malaysia đã dự cuộc họp đặc biệt tại Cung điện Hoàng gia để thảo luận về tình hình chính trị bất ổn của đất nước.

Malaysia đang đối mặt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi Thủ tướng Mahathir Mohamad hồi đầu tuần bất ngờ từ chức và đảng Bersatu của ông cũng rút khỏi liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền, sau nỗ lực bất thành nhằm lập liên minh cầm quyền mới không bao gồm cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim. Trước đó, khi bắt tay nhau lật đổ Thủ tướng Najib Razak hồi năm 2018, ông Mahathir cam kết sẽ chuyển giao quyền lực cho Anwar-người từng là đồng minh, đối thủ rồi đồng minh- vào tháng 11 tới.

Từ trái sang là các ông Muhyiddin, Mahathir và Anwar. Ảnh: Reuters

Trong hai ngày 25 và 26-2, Quốc vương Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah đã triệu tập tất cả 122 nghị sĩ đến cung điện để tham vấn lựa chọn của họ về ứng viên thủ tướng. Nhưng đến thời điểm hiện tại, không đề cử nào nhận được sự ủng hộ đa số rõ ràng. Trong nỗ lực chấm dứt bế tắc chính trị, Thủ tướng tạm quyền Mahathir cho biết quốc hội sẽ tiến hành họp bất thường vào ngày 2-3 để xác định ai là thủ tướng tiếp theo của đất nước. Nếu vẫn không ứng viên nào có được sự ủng hộ của ít nhất 112 hạ nghị sĩ để trở thành tân thủ tướng, một cuộc bầu cử sớm sẽ được tiến hành.

Tuy nhiên, thông báo của ông Mahathir đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ giới lập pháp. PH hiện kiểm soát 41% số ghế quốc hội và ủng hộ ông Anwar làm thủ tướng đã cáo buộc ông Mahathir “thách thức” quyền lực Nhà vua. Trong tuyên bố hôm 28-2, Chủ tịch Quốc hội Mohamad Ariff Md Yusof cũng nhấn mạnh cuộc họp đặc biệt bổ nhiệm thủ tướng chỉ nên được tiến hành sau khi có sắc lệnh từ Quốc vương.

Phản ứng gay gắt của các nhà lập pháp đặt ra câu hỏi về việc ông Mahathir liệu có tính toán sai lầm khi từ bỏ liên minh đã giúp ông giành chiến thắng “gây sốc” trong cuộc bầu cử cách đây 2 năm. Trước đó, các diễn biến cho thấy ông Mahathir có vẻ vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đảng thuộc cả hai phía trong chia rẽ chính trị hiện nay tại Malaysia. Một số nguồn tin còn tiết lộ khả năng hợp tác giữa đảng Bersatu với phe đối lập gồm Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) và đảng Hồi giáo Malaysia (PAS) để lập chính phủ mới nhằm duy trì sự lãnh đạo của ông Mahathir. Tuy bác bỏ khả năng bắt tay UMNO, chính trị gia 95 tuổi cho biết ông sẵn sàng cho vai trò đứng đầu một chính phủ đoàn kết dân tộc phi đảng phái.

Nhưng trong diễn biến mới nhất, lãnh đạo một số đảng đã lên tiếng phản đối ý tưởng “chính phủ không đảng phái” do lo ngại ông Mahathir có thể được trao cơ hội mở rộng quyền lực. UMNO và PAS vốn ủng hộ lập liên minh mới giờ đây cũng nói rằng họ ưu tiên giải pháp bầu cử sớm. Trước công kích từ đồng minh cũ và đối tác mới tiềm năng, ông Mahathir bất ngờ cho biết Bersatu có thể đề cử đồng minh Muhyiddin Yassin trở thành thủ tướng tiếp theo. Ông Muhyiddin từng là Bộ trưởng Nội vụ cho đến khi chính phủ sụp đổ và hiện đảm nhiệm chức Chủ tịch Bersatu sau khi ông Mahathir rời ghế lãnh
đạo đảng.

Niềm tin của người Malaysia vào chính phủ bị lung lay

Bước ngoặt bất ngờ trên chính trường khiến người dân Malaysia lần nữa băn khoăn về số phận của đất nước. Theo cuộc khảo sát trực tuyến trên 1.000 người thuộc mọi tầng lớp xã hội, chỉ 27% cho biết họ tin tưởng chính phủ hiện tại. Ngoài ra, cũng chỉ 7% tin vào sức khỏe nền kinh tế Malaysia. Theo các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế Malaysia quý 1 được dự báo giảm xuống còn 3,5% và cả năm là 4% từ mức 4,2% trước đó. Cùng với lo ngại về dịch COVID-19 trên toàn cầu, chỉ số tăng trưởng kinh tế quốc gia Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn nữa nếu tình hình chính trị không được cải thiện trong thời gian tới.

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết