23/06/2011 - 10:13

Khó có lối thoát cho tình hình Syrie

Đám đông ủng hộ Tổng thống al-Assad tại Homs hôm 21-6. Ảnh: AFP

Biểu tình chống chính phủ đã khiến Syrie bị tổn thất nặng nề, khi các hoạt động kinh doanh, thương mại và nông nghiệp bị đình trệ. Trong khi đó, các nước phương Tây vẫn đang loay hoay tìm giải pháp đối phó với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, trước sự phản đối từ Nga.

Thiệt hại kinh tế

Phát biểu tại Trường Đại học Damas đầu tuần này, Tổng thống al-Assad cho rằng điều nguy hiểm nhất mà Syrie phải đối mặt trong thời gian tới là kinh tế suy sụp. Sức ép tài chính có thể là mối đe dọa đáng sợ hơn làn sóng biểu tình.

Thông thường, khu vực biên giới Syrie giáp với Liban là nơi giao thương nhộn nhịp, nhưng hiện nay không có bóng dáng chiếc xe hơi nào. Rất ít người còn đi lại làm ăn ở khu vực này. Liban là “cửa ngõ” cho nền kinh tế Syrie, nhưng việc buôn bán xuyên biên giới đã bị đình trệ do sự hiện diện quá lâu các trạm kiểm soát an ninh. Du lịch là ngành mang lại nguồn thu chính cho Syrie với 8 tỉ USD mỗi năm, chiếm khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng hiện bị khủng hoảng. Theo các doanh nghiệp tại Aleppo, kinh đô thương mại của Syrie, rất nhiều công ty tư nhân đã ngưng hoạt động, các cửa hiệu vắng vẻ, do người tiêu dùng hạn chế mua sắm trong thời gian bất ổn.

Căng thẳng cũng diễn ra ở mọi lĩnh vực kinh tế của Syrie, đặc biệt là nông nghiệp. Theo các nguồn tin thương mại, chi phí vận chuyển nông sản tới chợ đã tăng gấp ba lần, do đường cao tốc chính từ phía Bắc Syrie tới Damas đã bị quân đội ngăn chặn. Nông dân đang chịu thiệt, vì khó thu hoạch rau quả đưa tới chợ. Bên cạnh đó, các khoản trợ cấp của chính phủ được đưa ra với hy vọng xoa dịu làn sóng phản đối, như trợ cấp giá nhiên liệu, lại đang bị thiếu hụt.

Tổng thống al-Assad cảnh báo rằng, nếu không ngăn chặn được tình hình bất ổn, Syrie đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Syrie sẽ khó đạt mức tăng trưởng cao hơn 3% năm nay, so với 3,2% năm ngoái.

Biểu tình tiếp diễn rầm rộ

Hàng ngàn người ủng hộ Tổng thống al-Assad đã xuống đường biểu tình quy mô lớn ở nhiều thành phố, trong khi phe đối lập cũng tuần hành rầm rộ hôm 21-6. Các vụ va chạm giữa người biểu tình chống chính phủ với người ủng hộ ông al-Assad và đôi khi là lực lượng an ninh, đã làm ít nhất 4 người chết ở thành phố Homs. Tính đến nay, hơn 1.400 người đã chết trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Syrie.

Trong bài phát biểu mới đây, ông al-Assad xúc tiến quá trình đối thoại dân tộc như là phương thức tiến hành cải cách. Theo đó, chính phủ sẽ tìm ra 100 người để thảo luận về luật bầu cử và hiến pháp hiện nay, vốn cho phép đảng Baath cầm quyền chi phối đời sống chính trị tại Syrie. Tuy nhiên, các thủ lĩnh đối lập tuyên bố họ sẽ không tham gia đối thoại theo đề nghị của ông al-Assad. Thay vào đó, các lực lượng đối lập thông báo họ thành lập Hội đồng Dân tộc mới, chỉ 1 tuần sau khi thành lập các ủy ban phối hợp ở nhiều tỉnh thành Syrie. Theo một số nguồn tin nước ngoài, các ủy ban phối hợp đã cho thấy tính hiệu quả trong việc quản lý và hướng dẫn các hoạt động biểu tình. Vì vậy, thành lập Hội đồng Dân tộc là để bao quát việc hoạch định hoạt động và thời gian biểu cho các sự kiện biểu tình bên trong Syrie và chương trình nghị sự quốc tế. Hội đồng này bao gồm các nhân vật ở trong và ngoài Syrie.

LHQ bế tắc trong vấn đề Syrie

Trong khi đó, các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) cho biết EU sắp đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới lên Syrie. Ngoại trưởng Anh William Hague ngày 20-6 tuyên bố ông al-Assad phải cải cách hoặc ra đi.

Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết về Syrie do Pháp và Anh soạn thảo trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã vấp phải sự phản đối từ Nga. Phát biểu khi đang ở thăm Pháp hôm 21-6, Thủ tướng Nga Vladimir Putin cho biết ông phản đối bất kỳ sự can thiệp bên ngoài nào vào cuộc xung đột ở Syrie, cơ bản vì hành động như vậy “không mang lại triển vọng” gì. Trước đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói với Thời báo Tài chính của Anh rằng Mát-xcơ-va sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của LHQ tương tự như nghị quyết 1973 hồi tháng 3, vốn cho phép can thiệp quân sự vào Libye. Mát-xcơ-va cho rằng không nhất thiết phải gây thêm sự bất ổn nào nữa ở Trung Đông.

N. MINH (Theo VPR, WSJ, LA Times)

Chia sẻ bài viết