23/01/2022 - 08:41

Khi phụ nữ được tự bán gia súc 

TRÍ VĂN (Theo The Guardian)

Ở các tỉnh vùng nông thôn Pakistan, phụ nữ từ lâu phải cực khổ chăn nuôi gia súc, cho chúng ăn, vắt sữa, tiêm phòng và giữ vệ sinh chuồng trại nhưng lại không được phép bán chúng. Mang gia súc ra chợ bán được coi là công việc của đàn ông. Song, mọi thứ hiện  đang dần thay đổi.

Mustafa mang những chú dê tự nuôi ra chợ bán. Ảnh: Guardian

Chị Rozina Ghulam Mustafa giờ đây có thể đến Marui, chợ gia súc đầu tiên dành riêng cho phụ nữ ở thành phố Tando Allahyar (tỉnh Sindh, Pakistan), để bán những con dê do chính tay chị nuôi và vắt sữa. Thông thường, việc bán dê là do anh trai chị đảm trách nhưng anh này thường bán với giá quá rẻ bởi không biết giá trị thực của chúng. “Anh luôn bán dê với giá thấp hơn nhiều” - Mustafa cho biết.

Ðối với Mustafa, việc cùng hàng trăm phụ nữ buôn bán động vật tại chợ Marui là một bước ngoặt lớn. Ðến chiều hôm Mustafa ra chợ bán, chị vẫn chưa bán được con nào nhưng chị không hề nao núng. “Vậy là được rồi. Ðó là lần đầu tôi ra chợ bán và tôi sẽ học cách giao dịch. Ðây là lần đầu tôi cảm thấy mình được tự do, có thể tự mình đưa ra quyết định trong việc buôn bán” - Mustafa bày tỏ cảm xúc.

Nói về việc thành lập chợ Marui, Rehmat, 65 tuổi, mẹ chị Mustafa, kể rằng khi còn nhỏ bà không thể tưởng tượng nổi cảnh một người phụ nữ đến chợ và bán hàng, bởi đó là công việc của đàn ông. “Tôi thấy sự thay đổi này là đúng hướng. Phụ nữ nuôi gia súc được thì họ cũng có thể mua bán chúng được như đàn ông. Làm gì mà có chuyện phức tạp đến như vậy” - Rehmat bộc bạch.

Vừa mua được con dê đầu tiên tại chợ với giá 19.000PKR (khoảng 108USD) để bắt đầu gầy dựng trang trại chăn nuôi, Perween Panhwar vui mừng nói: “Khi tôi nghe nói có chợ buôn bán động vật dành riêng cho phụ nữ, tôi muốn mua ngay con vật đầu tiên cho trang trại từ chợ này”.  Tương tự, Lakshmi Phuto, người đã mua một con dê đang cho con bú tại chợ với giá 20.000PKR, cũng hồ hởi không kém. “Ðúng là con dê mà tôi muốn mua. Nó có đôi tai to và khá cao lớn” - Phuto khoe. Ðược biết, Phuto được một tổ chức phi chính phủ địa phương tặng 30.000PRK để mua gia súc gầy dựng trang trại. Chị dự định sẽ dùng phần tiền còn lại để mua “thực phẩm chất lượng tốt”.

Tại chợ Marui nhộn nhịp, ngoài các chuồng bán động vật, rất nhiều mặt hàng được bày bán, nào là các quầy hàng bán bơ “nhà làm”, trứng, gà, thức ăn gia súc, đồ trang trí, nào là các quầy hàng bán đồ ăn, trà, quần áo phụ nữ thêu tay. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn đặt một gian hàng trưng bày thuốc thú y.

Nhiều người hy vọng rằng chợ do chính quyền thành phố Tando Allahyar và Quỹ Nghiên cứu và Phát triển, một tổ chức phi chính phủ địa phương, thành lập nói trên sẽ khuyến khích nhiều phụ nữ hơn nữa tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi. Thật ra, đây là một phần của dự án Phát triển vì Tiến bộ Nông thôn và Tiến bộ Bền vững kéo dài 6 năm nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp quy mô nhỏ và xóa đói giảm nghèo đói ở các tỉnh Sindh và Balochistan do Trung tâm Thương mại Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới phát động. “Ðó là một ý tưởng hay. Việc lập ra được các chợ dành riêng cho phụ nữ hoặc giúp họ có được thị phần trong thị trường nông nghiệp sẽ khuyến khích họ tham gia” - Mustafa Talpur, người đứng đầu chiến dịch vận động xóa bỏ bất bình đẳng của Oxfam tại châu Á, nhận định.

Về phần mình, Tiến sĩ Mazhar Ali Rind, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Pakistan, hy vọng rằng nhiều chợ tương tự sẽ được lập ra trên khắp đất nước. Theo ông Rind, nhiều hộ gia đình do phụ nữ làm chủ đã phải nhờ những người đàn ông trong làng nhạy bén trong kinh doanh thương lượng với người lạ. Ðổi lại, những người đàn ông này sẽ “bỏ túi” 2.000PKR/con vật được bán. Nhưng giờ đây khi mà họ đã học được quy trình, họ có thể tự bán, vai trò của những người trung gian từ từ có thể bị loại bỏ.

Chia sẻ bài viết