HẠNH NGUYÊN
Kevin Lambert là một trong nhiều người Mỹ gốc Hàn sinh ra hoặc lớn lên ở Mỹ. Từ nhiều thập kỷ trước, cha mẹ họ đã di dân đến xứ cờ hoa để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”, nhưng nay, thế hệ của họ đang thực hiện hành trình ngược lại.
Lambert và vợ tại Seoul. Ảnh: CNN
Lớn lên ở Bắc Carolina (Mỹ), Lambert biết mình khác với những người da trắng cùng trang lứa. Những nét đặc trưng của người Hàn Quốc mà anh thừa hưởng từ mẹ rất nổi bật và anh “luôn cảm thấy bị ruồng bỏ”. “Suốt cả tuổi thơ của tôi vào những thập niên 80-90, tôi đều được hỏi là bạn có phải là người Trung Quốc không? Bạn có biết kung fu không?” - Lambert kể lại. Cảm giác khó chịu đó đeo bám đến tuổi trưởng thành, thôi thúc anh chuyển về Hàn Quốc vào năm 2009.
Sau khi cùng gia đình rời Hàn Quốc từ hồi còn nhỏ, Daniel Oh chuyển đến Canada rồi Mỹ - nơi hành vi phân biệt chủng tộc diễn ra hàng ngày. Giờ đã 32 tuổi, Oh vẫn nhớ như in những lần bản thân cảm thấy xa lạ vì là người nhập cư. “Cho dù bạn nói tiếng Anh giỏi đến đâu, đọc bao nhiêu tài liệu về văn hóa, hòa nhập trong cách cư xử và lời nói như thế nào… thì bạn vẫn là một người Mỹ gốc Á”, Oh bộc bạch. Ngoài 20 tuổi, Oh bắt đầu về thăm Hàn Quốc. Tuy không hoàn toàn thoải mái khi nói tiếng Hàn, nhưng anh cảm thấy như ở nhà. Những điều từng khiến Oh khác biệt ở Mỹ - một phần tính cách và cách cư xử, ý thức về bản sắc - có ý nghĩa hơn rất nhiều khi anh trở lại xứ kim chi. Sức hút ấy ngày càng lớn mạnh sau mỗi chuyến đi. Đến năm 24 tuổi, Oh quyết định về thủ đô Seoul của Hàn Quốc sinh sống cho đến nay.
Không chỉ con cái của những người nhập cư hồi hương, nhiều người Mỹ gốc Hàn thế hệ thứ nhất cũng vậy. Kim Moon Kuk (72 tuổi), di cư từ Seoul đến Los Angeles năm 1985 cùng vợ và hai con. Ông điều hành một số cơ sở kinh doanh trong nhiều thập niên, bao gồm một nhà hàng, chợ trời, cửa hàng vàng bạc và xưởng may. Nhưng vợ chồng ông đã quay về Hàn Quốc vào năm 2020, định cư tại thành phố Chuncheon. Ông Kim cho biết có nhiều lợi ích khi sống tại Hàn Quốc, như dịch vụ chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, giao tiếp bằng tiếng Hàn dễ dàng và gần gũi với gia đình.
Theo số liệu từ Bộ Tư pháp và Dịch vụ Xuất nhập cảnh Hàn Quốc, khoảng 43.000 người Mỹ gốc Hàn đang sống tại Hàn Quốc năm 2020, cao hơn gấp đôi so với năm 2005.
Có nhiều yếu tố đã thúc đẩy trào lưu “di cư ngược”. Năm 1999, Hàn Quốc thông qua luật mở cửa cho “người Hàn Quốc ở nước ngoài”, giúp họ dễ dàng quay về và ở lại trong thời gian dài hơn. Nhưng có một yếu tố khác quan trọng hơn. Stephen Cho Suh, Phó Giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học San Diego (Mỹ) cho biết khi phỏng vấn hơn 70 người “di cư ngược”, “mọi người đều đề cập đến chủng tộc, phân biệt chủng tộc, sắc tộc”. Ông Suh cho biết phần lớn người “di cư ngược” lớn lên ở thời điểm mà hiểu biết của dân Mỹ về châu Á chỉ giới hạn ở Nhật Bản và Trung Quốc. Trải nghiệm bị phân biệt đối xử và không hoàn toàn được xem là người Mỹ đã khiến họ hướng về quê cha đất tổ nhiều hơn, đặc biệt là khi nạn phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và tội ác nhằm vào người châu Á ở Mỹ ngày càng tăng. Đối với ông Kim, thật nhẹ nhõm khi được trở về Hàn Quốc, nơi an toàn “tốt hơn 100%”.
Mặc dù vậy, không phải người Mỹ gốc Hàn nào cũng cảm thấy thoải mái khi về sống ở quê hương. Theo Ji-Yeon O. Jo, Giám đốc Trung tâm châu Á Carolina (Mỹ), sau khi “giai đoạn trăng mật” ở Hàn Quốc kết thúc, nhiều người bắt đầu thấy xung đột giữa “cuộc sống hàng ngày của người Hàn và các giá trị, lối sống mà họ quen thuộc ở Mỹ”. Ngay cả những việc thông thường như tìm căn hộ, mở tài khoản ngân hàng hay đăng ký khám bệnh với bác sĩ cũng phức tạp do những rào cản ngôn ngữ và giao thức không quen thuộc. Nhiều người cho biết họ bị mọi người nhìn với ánh mắt kỳ lạ khi nói tiếng Anh trên phương tiện giao thông công cộng. |