17/11/2019 - 00:50

Khi Iran tăng giá xăng dầu 

Chính quyền Iran vừa quyết định tăng giá dầu lên 50% và tái áp dụng chế độ định mức tiêu dùng nhiên liệu trong bối cảnh Tổng thống Hassan Rouhani thừa nhận nền kinh tế nước này đang trải qua thời điểm khó khăn nhất, kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. 

Bù đắp cho 60 triệu dân

Iran là quốc gia sở hữu trữ lượng dầu lớn thứ 4 thế giới và đứng thứ hai thế giới về trữ lượng khí đốt, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Mới đây, Tổng thống Rouhani thông báo Tehran đã phát hiện mỏ dầu mới có trữ lượng 53 tỉ thùng, tương đương 1/3 trữ lượng đã chứng minh của Iran, ở tỉnh Tây Nam giàu dầu mỏ Khuzestan. 

Trong thông báo tối 15-11, Công ty phân phối sản phẩm dầu mỏ quốc gia Iran cho biết xe hơi cá nhân sẽ phải trả 15.000 rial (0,127 USD)/lít xăng dầu cho 60 lít xăng dầu đầu tiên mỗi tháng. Sau định mức trên, tài xế phải trả 30.000 rial cho mỗi lít xăng dầu tăng thêm, tương đương mức tăng  gần 300%. Riêng giá dành cho taxi và xe cứu thương được mua ở mức 500 lít/tháng. Theo giá cũ, 1 lít xăng dầu ở Iran là 10.000 rial. Với giá mới, 1 lít xăng dầu ở nước này tương đương 50 xu/1 gallon theo cách tính của người Mỹ. Một gallon xăng dầu tại Mỹ thường có giá 2,60 USD. Iran là một trong những quốc gia có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới nhờ được chính phủ trợ giá hết sức hào phóng. 

Tehran lần đầu tiên áp dụng thẻ nhiên liệu năm 2007 nằm giới hạn mức tiêu dùng quá cao của người dân và ngăn chặn bớt tình trạng buôn lậu qua biên giới các nước láng giềng như Pakistan và Afghanistan. Tuy nhiên, chính sách cải cách trợ cấp nhiên liệu này của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad khi đó đã gây phẫn nộ và tạo ra làn sóng biểu tình, bạo loạn. Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Rouhani quyết định chấm dứt chính sách cải cách trên năm 2015 như đã hứa lúc tranh cử. 

Bằng quyết định tăng giá mạnh và khôi phục chính sách định mức nhiên liệu, ông Rouhani nhấn mạnh rằng biện pháp “thắt lưng buộc bụng” này có lợi cho người dân và trợ giúp cho nhiều giai tầng xã hội trước áp lực suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế. Mohammad Bagher Nobakht, người đứng đầu Tổ chức ngân sách và kế hoạch của Iran, cũng đã giải thích rõ rằng tất cả nguồn thu tăng thêm từ giá nhiên liệu sẽ được dùng hỗ trợ cho 18 triệu gia đình thu nhập thấp, tức khoảng 60 triệu người. 

Áp lực kinh tế

Thực tế là giá dầu siêu rẻ dẫn tới tiêu dùng quá nhiều. Theo hãng thông tấn IRNA, 80 triệu dân Iran mua trung bình mỗi ngày 90 triệu lít xăng dầu, trong khi khoảng 10-20 triệu lít xăng dầu khác bị bán lậu ra bên ngoài. Trong khi đó, Iran thiếu nhà máy lọc dầu nên không đáp ứng nhu cầu nhiên liệu nội địa. 

Một trạm xăng dầu ở Tehran ngày 15-11. Ảnh: AP

 

Tuy nhiên, tăng giá và áp đặt định mức tiêu dùng nhiên liệu chắc chắn gây áp lực lên giá cả hàng hóa và đời sống của nhân dân giữa lúc đồng nội tệ rial suy yếu và nguồn thu dầu mỏ sụt giảm mạnh. Đồng rial đã mất khoảng 60% giá trị kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran hồi tháng 5-2018. Trong khi đó, lạm phát đã tăng hơn 40% kể từ khi Washington áp đặt cấm vận dầu mỏ Tehran từ tháng 5-2019. Lượng xuất khẩu dầu thô của Iran trong năm nay được hoạch định 1,5 triệu thùng/ngày, nhưng theo giới tình báo công nghiệp phương Tây, xuất khẩu dầu thô của nước này hiện chỉ ở mức 300.000 thùng/ngày. Ngoài ra, một phần quan trọng lượng dầu mỏ mà Iran xuất khẩu sang Trung Quốc là để trừ nợ. 

Hiện nay, giá dầu thô đang giao dịch của Iran khoảng 62 USD/thùng. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng Iran cần mức giá 155 USD/thùng năm 2019 mới có thể cân bằng ngân sách và cần 195 USD/thùng để có đủ nguồn chi cho hoạt động chính phủ năm 2020. Ngân sách nhà nước của Iran hiện là 415 tỉ USD, chưa bao gồm ngân sách của lực lượng vũ trang, tình báo và một số hoạt động bí mật khác. Vì thế, IMF ước tính thâm hụt ngân sách của quốc gia vùng Vịnh này tương đương 8% GDP (GDP hiện nay của Iran là 458,5 tỉ USD). Cũng theo IMF, quy mô nền kinh tế của Iran trong năm nay dự kiến sẽ sụt giảm đến 9,5%. 

Với tình thế khó khăn như vậy, quyết định của  chính quyền Tehran liên quan đến nguồn thu nhiên liệu rõ ràng là điều dễ hiểu và cần thiết. Thế nhưng, vẫn có dư luận không đồng tình với chính phủ, cho rằng tăng giá nhiệu liệu là một hình thức “trừng phạt kinh tế” nhằm vào dân thường. Đã có dấu hiệu cho thấy sẽ có làn sóng biểu tình phản đối từng diễn ra tại Iran.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết