05/09/2011 - 08:25

Khi cấm vận trở thành công cụ chính trị

Syrie đã có những phản ứng đầu tiên sau khi Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-9 thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ đối với nước này. Phát biểu với phóng viên Tân Hoa Xã của Trung Quốc hôm 4-9, nhà phân tích chính trị George Jabbour cho rằng lệnh cấm vận sẽ làm hại người dân Syrie, đồng thời nhấn mạnh: “Việc sử dụng các biện pháp cấm vận đó như một vũ khí chính trị là vô đạo đức”. Khaled al-Aboud, một nhà phân tích chính trị khác người Syrie, cũng phê phán lệnh cấm này, cho rằng nó sẽ tác động ngược lại lợi ích của EU, bởi theo ông, EU cũng phải tìm kiếm nguồn cung dầu khí thay thế Syrie. Trong khi đó, nhà phân tích Ahmed al-Haj Ali nhận định các biện pháp cấm vận của EU không đơn thuần là vấn đề kinh tế. “Các biện pháp cấm vận được sử dụng như một công cụ chính trị nhằm làm tê liệt nền kinh tế Syrie... Nó thể hiện quyết tâm của EU và cả của Mỹ trong việc gia tăng sức ép với chính phủ Syrie”- al-Haj Ali nói.

Lệnh cấm vận của EU được ban hành sau khi giới cầm quyền Mỹ ngày 30-8 tăng cường các biện pháp phong tỏa tài sản của nhà nước Syrie tại Mỹ, cũng như cấm đầu tư và xuất khẩu tới nước này. Thông báo của EU nêu rõ: “Lệnh cấm vận bao gồm việc cấm mua, nhập khẩu và vận chuyển dầu mỏ và các sản phẩm của dầu mỏ từ Syrie. Các giao dịch này sẽ không được hưởng bất cứ một dịch vụ tài chính hoặc bảo hiểm nào”. Lệnh cấm này đã được thực hiện từ ngày 3-9, mặc dù đến ngày 15-11 tới, các công ty châu Âu mới có thể kết thúc toàn bộ các hợp đồng cung cấp dầu mỏ với Syrie.

Theo các nhà phân tích, lệnh cấm vận của EU sẽ gây thiệt hại cho Syrie hàng triệu USD mỗi ngày. Tân Hoa Xã cho biết 28% nguồn thu hàng năm của Syrie là từ dầu mỏ, trong đó 95% là xuất sang châu Âu. Theo giới quan sát, việc EU áp đặt các biện pháp cấm vận dầu khí đối với Syrie vào thời điểm này cũng dễ hiểu bởi phương Tây coi như vừa “chiếm được” Libye, và các mỏ dầu nước này vừa được phe nổi dậy khẳng định mở cửa cho phương Tây. Vì vậy, EU không sợ giá dầu tăng khi tạm thời không có nguồn cung từ Syrie. Nói là tạm thời bởi phương Tây cũng đã tính toán sau khi gây sự thành công ở Syrie, các công ty dầu khí của họ sẽ trở lại quốc gia giàu vàng đen này rầm rộ hơn như đã làm với Libye.

Những động thái của Mỹ và EU thời gian gần đây cho thấy Nhà Trắng và đồng minh phương Tây đã thể hiện rõ ý đồ lật đổ chế độ của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad. Họ đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) dự thảo nghị quyết đề xuất các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Syrie. Nga và Trung Quốc, hai nước có quyền phủ quyết trong HĐBA LHQ, lâu nay vẫn lên tiếng bác bỏ các nghị quyết do phương Tây áp đặt chống Syrie. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 3-9, đã lên án các biện pháp trừng phạt mà EU vừa ban hành với Syrie, nói rằng chúng sẽ “không dẫn đến điều gì tốt đẹp”, theo Reuters. Tuy nhiên, cũng không ít người nhận thấy khi tính toán tới lợi ích chiến lược trong mối quan hệ với phương Tây, quan điểm của Nga và cả Trung Quốc có thể thay đổi bất cứ lúc nào như họ từng thể hiện trong vấn đề Libye. Chính Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng ám chỉ rằng Mát-xcơ-va có thể thay đổi thái độ với Damas nếu ông al-Assad không thúc đẩy cải cách.

NHẬT QUANG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết