25/01/2014 - 13:42

Khẩu chiến tại Davos

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 44 diễn ra tại thành phố Davos của Thụy Sĩ đã chứng kiến những cuộc khẩu chiến sôi nổi giữa khác đối thủ trong khu vực, tại Trung Đông thì có Iran và Israel, còn ở châu Á thì có Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong chuyến công cán đến Davos nhằm mời gọi các nhà đầu tư quốc tế trở lại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani nói tại WEF rằng chính phủ của ông chân thành mong muốn tạo ra mối quan hệ mới với phương Tây dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau cũng như xây dựng lại mối quan hệ kinh tế đã tan vỡ sau các lệnh cấm vận quốc tế.

Thế nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, trong bài phát biểu của mình, đã cảnh báo phương Tây không nên đón nhận lời đề nghị ngoài mặt của Iran, với lý do chưa có bằng chứng rõ ràng nào về sự thay đổi trong bản chất của Nhà nước Hồi giáo. Ông Netanyahu nói tuyên bố của Tổng thống Iran rằng Tehran muốn thúc đẩy sự ổn định và an ninh tại Trung Đông "không liên quan đến những gì đang xảy ra trên thực tế", nhất là trong vấn đề Syrie, nơi ông cáo buộc Vệ binh Cách mạng Iran bắt tay với quân đội chính phủ Bashar al-Assad chiến đấu và giết người.

Đáp lại việc Tổng thống Rouhani ám chỉ Israel khi nói rằng ông nhìn thấy quá trình tiến tới một thỏa thuận hạt nhân đầy đủ giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ vấp phải một rào cản lớn, Thủ tướng Netanyahu gọi thỏa thuận sơ bộ đạt được hồi cuối năm ngoái là "một trò quỷ quyệt" của Tehran. "Mục tiêu của chính quyền Hồi giáo Iran, đang che giấu đằng sau nụ cười của ông Rouhani, là nới lỏng lệnh cấm vận chứ không thừa nhận chương trình hạt nhân của họ là nhằm chế tạo vũ khí", ông Netanyahu cáo buộc.

Trước đó, chuyện "lời qua tiếng lại" tương tự cũng đã xảy ra tại WEF giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết hai quốc gia láng giềng này từ lâu bất hòa vì tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông và căng thẳng leo thang kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư năm 2012.

Một đêm trước khi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên bục diễn thuyết, một giáo sư người Trung Quốc đã nói rằng một cuộc xung đột chắc chắn xảy ra và có khả năng Trung Quốc sẽ tấn công để tái chiếm đảo từ Nhật Bản. Báo Business Insider cho biết bình luận này - được đưa ra tại một buổi tiệc chiêu đãi - "đã làm choáng váng những người có mặt". Ngày 22-1, Thủ tướng Abe còn bị học giả Wu Xinbo - một chuyên gia về chính sách đối ngoại và quốc phòng của Trung Quốc, gọi là "kẻ gây rối".

Trong bài phát biểu chiều cùng ngày, ông Abe đã ví mối quan hệ lạnh lẽo giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện nay tương tự như hoàn cảnh của Anh và Đức trước Thế chiến thứ nhất. Ông còn cho rằng sự mất ổn định trong khu vực châu Á là do Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự, điều mà ông từng chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch.

THANH TRÚC

 

Chia sẻ bài viết