14/04/2008 - 09:49

Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Lee Myung-bak

Kết hợp kinh tế với chính trị - Xu hướng thực dụng của Seoul

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Ảnh: AP

Việc Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak chọn Mỹ và Nhật làm điểm đến trong chuyến công cán nước ngoài đầu tiên, bắt đầu vào ngày mai 15-4, thể hiện rõ chính sách ngoại giao thực dụng và có nhiều khác biệt so với hai người tiền nhiệm. Tăng cường quan hệ với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này được ông xem là một trong những biện pháp nhằm đưa Hàn Quốc vào nhóm 7 nền kinh tế lớn nhất hành tinh trong vòng một thập niên nữa. Và thông qua chuyến đi này, ông cũng muốn thống nhất lập trường với Washington và Tokyo trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Hàn Quốc và Mỹ là đồng minh của nhau từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy nhiên, dưới thời hai ông Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun, quan hệ Hàn-Mỹ đôi lúc không được xuôi chèo mát mái do có cách tiếp cận khác nhau đối với Bình Nhưỡng. Ngay sau khi đắc cử, ông Lee Myung-bak cam kết sẽ “nâng cấp” quan hệ với Washington. Theo lịch trình, Tổng thống Lee Myung-bak sẽ hội đàm với người đồng cấp George Bush tại Trại David vào ngày 18 và 19-4 (cần nói thêm rằng ông là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên được mời đến Trại David, nơi nghỉ ngơi của các tổng thống Mỹ). Chủ đề chính trong cuộc gặp Lee-Bush là củng cố quan hệ quân sự mà cốt lõi là tiếp tục duy trì 28.000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc. Tăng cường trao đổi thương mại cũng chiếm một vị trí quan trọng. Sau thắng lợi của đảng Đại Dân tộc cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9-4, Tổng thống Lee Myung-bak hy vọng Quốc hội Hàn Quốc sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ được ký kết hồi năm ngoái. Với FTA này, kim ngạch buôn bán hai chiều Mỹ-Hàn được hy vọng sẽ tăng thêm 20 tỉ USD so với mức gần 80 tỉ USD/năm như hiện nay.

Trong chuyến thăm Nhật ngày 20 và 21-4, ông Lee Myung-bak sẽ hội đàm với Thủ tướng Yasuo Fukuda và tiếp kiến Nhật hoàng Akihito. Nếu như cựu Tổng thống Roh Moo-hyun từng hủy bỏ đàm phán với Tokyo vì những bất đồng do lịch sử để lại (Nhật xâm lược Triều Tiên giai đoạn 1910-1945) thì ông Lee Myung-bak chủ trương “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Đối với một nhà lãnh đạo xuất thân từ doanh nhân như ông, cái quan trọng nhất hiện nay là Nhật đứng thứ ba trong số các nước tiêu thụ nhiều hàng hóa của Hàn Quốc. Do vậy, trong chuyến đi này, ông sẽ giục Thủ tướng Fukuda nối lại đàm phán FTA song phương vốn đang bế tắc do những bất đồng về việc mở cửa thị trường nông sản.

Tuy nhiên, chuyến công du Mỹ và Nhật của ông Lee Myung-bak sẽ khiến cho quan hệ liên Triều thêm căng thẳng. Việc Tổng thống Lee Myung-bak đòi CHDCND Triều Tiên cải thiện nhân quyền và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Kim Tae-young đề cập khả năng tấn công các cơ sở hạt nhân của nước này khiến Bình Nhưỡng vô cùng tức giận. Ngoài việc trục xuất một loạt quan chức Hàn Quốc làm việc tại khu công nghiệp Kaesong, bắn tên lửa vào vùng biển Hoàng Hải đang tranh chấp giữa hai nước, Bình Nhưỡng còn chỉ trích Tổng thống Lee Myung-bak “theo đuôi” Mỹ và thậm chí dọa san bằng Hàn Quốc. Các nhà phân tích cho rằng lập trường của Hàn Quốc đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hiện nay là cứng rắn nhất trong vòng một thập niên trở lại đây và nó gần giống với lập trường của Mỹ và Nhật.

LÊ DÂN (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết