08/01/2023 - 19:46

Kế hoạch “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc gặp khó 

MAI QUYÊN (Theo SCMP, Science)

Tuy thành công kêu gọi các nhà khoa học trẻ có năng lực trở về nước, nhưng chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc bị cho vẫn kém hiệu quả trong việc thu hút những nhà nghiên cứu hàng đầu vốn không chấp nhận quá nhiều sự can thiệp hành chính.

Trung Quốc thu hút được một số nhà khoa học do phương Tây đào tạo trở về nước làm việc. Ảnh: Getty Images

Năm 2008, Bắc Kinh với kế hoạch “Ngàn nhân tài” bắt đầu lôi kéo công dân Trung Quốc được đào tạo ở nước ngoài hoặc Hoa kiều trở về quê hương phát triển sự nghiệp. Với tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về khoa học và công nghệ, Trung Quốc đặc biệt cho phép các học giả này đóng vai trò cấp cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như tại các tập đoàn nhà nước.

Thu hút tài năng trẻ

Là một phần của chính sách khuyến khích tài năng, kế hoạch “Ngàn tài năng trẻ” (YTT) được khởi xướng vào năm 2010 để tuyển dụng và nuôi dưỡng các nhà khoa học trẻ từ nước ngoài trở về. Tính từ năm 2011 tới năm 2017, chương trình đã tài trợ cho hơn 3.000 nhà nghiên cứu dựa trên quỹ khởi nghiệp hào phóng cùng mức lương cạnh tranh quốc tế.

Ðể đánh giá mức độ thành công và ý nghĩa của chương trình, báo cáo phân tích gần đây của một nhóm tác giả Trung Quốc thuộc Ðại học Giao thông Thượng Hải, Ðại học Thanh Hoa và Ðại học Hong Kong cho biết họ đã xem xét khoảng 300 nhà nghiên cứu trẻ Trung Quốc lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, sau đó nhận được tài trợ của YTT giai đoạn 2012-2014 và quay trở lại đảm nhiệm các chức vụ ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy những người được YTT bảo trợ có khả năng tạo dựng sự nghiệp nghiên cứu độc lập tốt. Nó cũng phản ánh thành công của chương trình YTT trong việc thu hút các nhà khoa học trẻ tuổi, có khả năng nhưng không có kinh phí điều hành phòng thí nghiệm riêng phục vụ các nghiên cứu mang tính tầm cỡ. Khả năng tiếp cận nguồn tài trợ và đội ngũ nghiên cứu được xét đến như động lực chính. Ðiều này thể hiện rõ rệt nhất trong các lĩnh vực như sinh học, y học và hóa học vốn đòi hỏi thiết bị đắt tiền và số lượng lớn chuyên viên để thực hiện.

Chưa đạt đến “ranh giới tri thức toàn cầu”

Nếu được tùy chọn theo đuổi nghiên cứu độc lập ở Mỹ hoặc ở Trung Quốc, nhóm phân tích phát hiện những nhà khoa học xuất sắc được đào tạo ở Bắc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ít có khả năng đến đại lục, kể cả khi nhận được đề nghị từ YTT. Trong số những chuyên gia từ chối lời đề nghị của YTT, gần 90% có mối gắn kết với giảng viên ở nước ngoài so với 14% những người quay trở lại Trung Quốc. Trung bình, nhóm chấp nhận đề nghị của YTT xuất bản 2,4 ấn phẩm mỗi năm khi họ ở nước ngoài. Những người từ chối thì làm việc hiệu quả hơn với tỷ lệ 2,9 ấn phẩm/năm. Ngoài ra, những người ở lại cũng nhận khoản trợ cấp nghiên cứu hàng năm lớn hơn - khoảng 30.365USD (năm 2010) - trong khi những người trở về chỉ nhận khoản trợ cấp trung bình 4.439USD.

Những điều trên phần nào nói lên môi trường văn hóa và xã hội ở xứ cờ hoa thuận lợi hơn cho nghiên cứu khoa học, cơ hội phát triển nghề nghiệp so với đại lục. Ðặc biệt khi Trung Quốc đang chứng kiến một bộ phận các nhà khoa học hồi hương rồi quay trở lại Mỹ, nhóm tác giả nhận định: “Trung Quốc vẫn chưa đạt đến ranh giới tri thức toàn cầu. Trong khi các tài năng hàng đầu muốn làm việc với những người xuất sắc khác, họ sẽ thích ở lại những nước như Mỹ hơn bởi nơi đây hội tụ số lượng lớn các nhà khoa học giỏi cũng như không có nhiều sự can thiệp hành chính”.

Chia sẻ bài viết